.

Tăng tốc xuất khẩu cuối năm

.

Theo Sở Công thương, 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa và dịch vụ ước đạt 700,8 triệu USD, đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Trong đó, riêng XK hàng hóa ước đạt 372,8 triệu USD, đạt 47,5% kế hoạch, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng chủ lực giữ mức tăng trưởng cao như dăm gỗ ước đạt 8,6 triệu USD, tăng 83%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 60 triệu USD, tăng 117,4%; dệt may ước đạt 107,5 triệu USD, tăng 25,7%; cao su thành phẩm ước đạt 5,66 triệu USD, tăng 70,5%; đồ chơi trẻ em ước đạt 30,5 triệu USD, tăng 49,5%; thủy sản ước đạt 43,7 triệu USD, tăng 25,6%; hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ 16,4 triệu USD, tăng 13,1%. Một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá như: Công ty CP Dệt may Hòa Thọ tăng 33,1%, Công ty CP Thủy sản miền Trung tăng 40%, Công ty CP Keyhinge Toys tăng 39%, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Việt - Nhật tăng 11%. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp (DN) vẫn đang khó khăn về thị trường nên giá trị sản xuất có giảm so với cùng kỳ như Công ty CP SX-TM Hữu Nghị giảm 11,7%, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng giảm 13%. 

Mô tả ảnh.
Doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực đảm bảo cho các đơn hàng xuất khẩu.

Kim ngạch XK tăng là tín hiệu vui của kinh tế thành phố. Song theo phân tích của các chuyên gia trong nước đối với tình hình tăng trưởng XK chung, khi tăng XK sẽ kích thích nhập khẩu nhiều hơn. Chẳng hạn như dệt may, nguyên liệu đầu vào chủ yếu là từ nhập khẩu. Các DN dệt may đang gia công hàng XK nhấp nhổm không yên bởi phải lo vốn nhập nguyên vật liệu cho các đơn hàng đã ký từ năm trước. 

Không chỉ có dệt may, trong những tháng gần đây, các DN xuất khẩu  thủy sản, cao su thành phẩm… trên địa bàn Đà Nẵng đang đối diện với tình hình giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng, giá vàng và đô-la đều tăng khiến giá thành sản phẩm tăng. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất vì hiệu quả kém, sản phẩm khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác do giá thành cao. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết, mặc dù thị trường XK tôm thẻ chân trắng đi Nhật, châu Âu, Mỹ đang tốt, nhưng nguyên liệu trong nước không chỉ thiếu trầm trọng mà còn tăng giá rất cao. Vấn đề thu mua tiếp tục gặp khó khăn do sự cạnh tranh giữa các đơn vị với nhau. Nếu cứ phải mua cao như vậy thì xem ra đi buôn chẳng có lời. So với trước thì lợi nhuận hiện nay thấp hơn rất nhiều trong khi chi phí giá thành, nhân công lại tăng. Có thời điểm, công nhân phải nghỉ việc vì không có nguyên liệu cho sản xuất.

Để thực hiện được kế hoạch XK năm 2011, phải đạt 720 triệu USD trong 6 tháng cuối năm. Về góc độ quản lý ngành, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngoài sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, Sở tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như phối hợp chặt chẽ các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP. Nắm chắc, bám sát cơ sở, theo dõi tình hình triển khai các dự án lớn của ngành, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn nhằm giúp doanh nghiệp ổn định và đẩy mạnh sản xuất. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước giúp các doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn các doanh nghiệp tìm kiếm thêm bạn hàng, thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.