6 tháng đầu năm, ngành dệt may cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 6,16 tỷ USD, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Khả năng toàn ngành sẽ đạt giá trị xuất khẩu 13 tỷ USD trong năm nay. Với giá trị này sẽ đưa ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Đây cũng là ngành thu hút nhiều lao động nhất, khoảng 3 triệu người.
Công đoạn cắt may tại Công ty CP Dệt may 29-3. |
Tuy nhiên, do không chủ động được nguyên liệu (nhập khẩu trên 80%) nên mặc dù có giá trị xuất khẩu cao, nhưng giá trị gia tăng không nhiều, lãi của ngành dệt may thấp, thu nhập của công nhân chưa cao. Thêm vào đó, sự phân bổ không đều của các cơ sở sản xuất giữa các vùng miền. Miền Bắc khoảng 30% cơ sở, miền Nam khoảng 58%, miền Trung - Tây Nguyên chỉ chiếm 8%, còn lại là các địa phương khác. Lao động của các cơ sở dệt may chủ yếu đến từ các vùng nông thôn nghèo. Các cơ sở ở miền Nam có khoảng 70% lao động đến từ các vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Với thu nhập thấp, việc biến động lao động xảy ra thường xuyên, do công nhân thường tìm kiếm việc làm mới có thu nhập cao hơn, gần nhà. Những cơ sở dệt may ở Đà Nẵng cứ vào dịp sau Tết, số lao động về từ thành phố Hồ Chí Minh đến xin việc làm cao gấp nhiều lần so với lao động cần tuyển.
Quy hoạch của ngành dệt may tới năm 2015 và 2020 sẽ tập trung đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất tại khu vực miền Trung và các vùng còn trống nhưng có tiềm năng lao động lớn. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết: Mục tiêu cao nhất của ngành đến năm 2020, người lao động sẽ được làm việc ngay trên quê hương mình. Để đạt được mục tiêu này, Tập đoàn sẽ ưu tiên đầu tư vào khu vực miền Trung, sẽ góp phần giải quyết một phần sự biến động về lao động trong ngành. Để chủ động nguồn nguyên liệu, từng bước nâng tỷ trọng nội địa hóa (tỷ lệ nội địa hóa hiện nay là 20%), trong đó đặc biệt là nguồn bông và sợi, Tập đoàn đã quy hoạch các vùng trồng bông trong và ngoài nước. Đến cuối năm 2010, Tập đoàn đã tiến hành thử nghiệm thành công việc trồng 1.000ha bông có sản lượng cao tại Bình Thuận và đang triển khai đại trà trong cả nước. Dự kiến đến năm 2015, cả nước có khoảng 40 ngàn ha bông có sản lượng cao. Công ty Dệt may Nam Định đã đầu tư sang cả nước bạn Lào với những giống bông mới, năng suất cao.
Theo ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, để khuyến khích nông dân trồng bông, Tập đoàn sẽ hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và thỏa thuận về mức giá thu mua ổn định, bảo đảm có lãi cho nông dân. Quyết tâm của Tập đoàn đến năm 2020 sẽ chủ động được khoảng 50% nguyên liệu cho ngành. Tuy nhiên, muốn thực hiện mục tiêu hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành của Trung ương, sự chung tay của các nhà khoa học và các địa phương có vùng trồng bông truyền thống.
Bài và ảnh: Đức Thịnh