.

Anh Hùng làm phong điện

.
Là một cán bộ thư viện, thế nhưng anh Nguyễn Duy Hùng lại có sở thích chăn nuôi gia cầm, gia súc. Để thỏa mãn sở thích, anh bỏ việc ở Đà Nẵng về quê thôn Hà Bản, xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam, thuê 11 ha rừng  để trồng cây, đào ao nuôi cá và gia cầm, gia súc.
 
Mô tả ảnh.
Máy phong điện do anh Hùng đầu tư.
Mải mê với công việc như vậy gần chục năm trời, anh đã biến cả một vùng đất hoang hóa ven sông Cổ Cò thành một cánh rừng rất đẹp. Bạn bè đến chơi, nhiều người gợi ý: “Sao không biến nơi này thành khu du lịch sinh thái?”. Một gợi ý quá hay, thế nhưng tại khu vực này lấy đâu ra điện để làm? Rồi một lần tình cờ lên mạng, biết được kỹ sư Dương Hồng Quang, một người chuyên chế các máy phát điện sử dụng năng lượng gió, thế là anh vào TP. Hồ Chí Minh để mời cho được kỹ sư Quang ra thiết kế cho một máy phát điện. Vừa đặt chân đến trang trại của anh Hùng, kỹ sư Quang đã nói ngay: “Ba mặt đều là cánh đồng trống, mặt còn lại là sông, không làm phong điện là hoang phí”. Và kỹ sư Quang đã phác thảo một “máy” phong điện với những cánh quạt lớn đón gió để quay đi-na-mô phát điện.

Là người ngoại đạo, nhìn bản vẽ như... rừng, vậy nên anh Hùng đã mời anh Huỳnh Ngọc Trường, một chủ cơ sở cơ khí trong thôn về cùng làm máy phát điện bằng sức gió. Anh Huỳnh Ngọc Trường nhớ lại: “Lý do để bắt tay làm với anh Hùng đơn giản vì anh “máu” quá, lan sang cả tôi, thế là làm thôi. Ban đầu cứ tưởng theo thiết kế của kỹ sư Quang làm là được, thế nhưng khi bắt tay vào làm, chúng tôi gặp vô số khó khăn. Vậy  là anh em lên mạng mày mò nghiên cứu và cuối cùng, chúng tôi quyết định không làm bộ phận đón gió để quay đi-na-mô là cánh quạt như chiếc chong chóng mà lắp đặt các cánh đón gió thành một hình trụ giống như đèn kéo quân”. Với cấu trúc gồm 3 tầng gồm 18 cánh xếp chồng lên nhau tạo thành một khối hình trụ có chiều cao 3,6 mét và đường kính 3,7 mét tạo nên một lực quay đủ để đi-na-mô phát ra dòng điện công suất 400W. Toàn bộ dòng điện này được sạc trực tiếp vào bình ắc-quy 120 Amper. Với công suất phát 400W mỗi ngày, thiết bị chỉ cần chạy 10 tiếng đồng hồ là tích đầy điện bình ắc-quy 120 Amper nên anh Trường đã tiếp tục tự mày mò chế ra một rơ-le ngắt điện. Nhờ rơ-le này mà khi bình ắc-quy tích đầy điện, dòng điện sẽ tự động ngắt và khi hết điện sẽ tự động hoạt động chạy trở lại.

Anh Nguyễn Duy Hùng tâm sự: Kể ngắn gọn như thế nhưng hai anh em phải mày mò sửa tới sửa lui tròn 6 tháng trời. Chính vì vậy mà ngày đầu tiên thiết bị phát điện, hai anh em mừng đến phát khóc. Chờ đêm xuống, hai anh em bật hết 20 bóng đèn và các thiết bị điện rồi ngồi ngắm mãi cả đêm không ngủ được. Và cũng chính nhờ có dòng điện này mà mới đây anh Hùng đã khai trương điểm du lịch sinh thái mang tên Hà Bản.

Đưa tôi đi thăm “máy” phong điện, anh Hùng không giấu giếm: “Hiện chúng tôi chuẩn bị hoàn thiện cái thứ hai với nhiều cải tiến hơn và dĩ nhiên công suất cao hơn, nhưng giá thành chỉ dưới 50 triệu đồng để tăng công suất phát điện cho khu du lịch. Đây cũng chính là “phòng trưng bày sản phẩm” máy phong điện để mọi người tham quan và nếu họ có nhu cầu, chúng tôi sẽ chế tạo và lắp đặt thiết bị cho họ. Cũng theo anh Hùng thì thiết bị này có đầu ra rất lớn và đầy tiềm năng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vì hiện khu vực này có khá nhiều khu du lịch sinh thái, cũng như các trang trại trồng trọt chăn nuôi mọc lên, thế nhưng rất nhiều trong số này gặp khó khăn vì ở quá xa mạng lưới điện nên không thể phát triển được.

Bài và ảnh: Thanh Vân
;
.
.
.
.
.