Hoạt động du lịch đường thủy tại Đà Nẵng đã hình thành từ nhiều năm nay. Song, hiệu quả mang lại từ các hoạt động này chưa nhiều mà một trong những nguyên nhân đó là do thiếu điểm đến mới khiến các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn chưa phát huy được các tiềm năng vốn có để tạo tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và phục vụ, thu hút khách tham quan.
Những điểm đến
Thiên nhiên đã ưu đãi cho Đà Nẵng có nhiều tài nguyên về du lịch đường sông. Đà Nẵng có nhiều sông đẹp, có giá trị văn hóa-lịch sử và phong cảnh hữu tình như sông Hàn, sông Vĩnh Điện, sông Cẩm Lệ, sông Cu Đê…, có nhiều bãi tắm sạch đẹp, ăn sâu vào lòng núi mà các thuyền du lịch khi đưa khách dạo chơi trên sông rất thích ghé vào như bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen, bãi Nam, bãi Rạng, bãi Trẹm, bãi Bụt…
Nắm bắt được vẻ đẹp vốn có từ thiên nhiên, nhiều doanh nghiệp du lịch đã hình thành các tour, tuyến du lịch sông, biển phục vụ khách. Cụ thể như tuyến sông Hàn có thể đưa du khách đi tham quan các di tích làng An Hải-lăng Cá Ông, lăng Thoại Ngọc Hầu, mộ Trần Quang Diệu, các di tích cách mạng K20 (làng Mồ côi), tham quan và tìm hiểu về các cây cầu bắc qua sông Hàn như cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn, cầu Hòa Xuân, cầu Cẩm Lệ, cầu Đỏ…; tuyến sông Vĩnh Điện đưa du khách tham quan các khu di tích chiến tranh như trường học Mân Quang-Hòa Quý, thăm những cánh đồng quê và thành phố Hội An; tuyến sông Cẩm Lệ đưa du khách đi ngang qua Làng thể thao Tuyên Sơn, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân-Đảo Nổi, ngang qua Para An Trạch, tham quan nhà cổ và làng sinh thái Thái Lai… Không những thế, để thu hút khách du lịch và tạo sự đa dạng cho hoạt động du lịch trên sông nước, nhiều doanh nghiệp du lịch còn khai thác các tuyến dẫn khách đi tham quan bắt đầu từ sông Hàn ra biển như tuyến vịnh Đà Nẵng; vòng quanh bán đảo Sơn Trà; tuyến Hòn Chảo (đảo Ngọc); tuyến Cù lao Chàm… được du khách rất thích thú.
Tuy tại các điểm du lịch trên hấp dẫn là vậy, song, hầu như tất cả các tàu thuyền du lịch Đà Nẵng chỉ đưa du khách đi tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông và 2 bên bờ chứ rất ít khi dừng lại. Theo các doanh nghiệp du lịch thì lý do khiến họ không vào được những khu, điểm du lịch đó là do tại các khu, điểm này đều đã có chủ đầu tư, muốn đưa du khách dừng lại nghỉ ngơi và thăm thú cảnh vật nhưng chi phí ăn uống, bến bãi neo đậu quá cao nên du khách và chủ tàu không lên được. Anh Trần Văn Tạo, chủ tàu du lịch Mỹ Xuân, nói: “Những điểm đã có chủ đầu tư chúng tôi ít khi đưa khách lên được, những điểm khác du khách muốn lên lại không có bến đậu, tàu chỉ neo tạm bợ bên ngoài, rất khó cho các doanh nghiệp như chúng tôi. Không lẽ chúng tôi cứ đưa khách dạo mãi trên các tuyến sông mà không có điểm dừng cho khách tham quan, leo núi, dã ngoại…”.
Cần có những điểm đến mới
Những năm gần đây, thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển tàu du lịch trên sông Hàn và các tuyến sông trên địa bàn. Nhưng do các tuyến điểm du lịch cho du khách lui tới quá ít, vậy nên, muốn cho ngành du lịch đường thủy thực sự phát triển, cần tìm ra các điểm đến mới với những hướng đi phù hợp tạo ra sự chuyên nghiệp hơn trong cách làm du lịch.
Ông Trần Chí Cường, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cho rằng: “Đã từ lâu, tuyến đường sông theo hướng sông Hàn-Ngũ Hành Sơn bằng sông Cổ Cò có thể nói là tuyến hấp dẫn nhất nhưng hiện tại vướng đập Bờ Quang ngăn nước mặn nên tàu thuyền không thể lưu thông được. Hiện nay, đập Bờ Quang ngày càng không phát huy tác dụng. Vì vậy, nên chăng thành phố có phương án nghiên cứu cải tạo hoặc phá dỡ đập Bờ Quang để tạo điều kiện cho tàu thuyền lưu thông trên sông Cổ Cò”. Ông Đặng Hòa, chủ tàu du lịch Hàn Giang-Tiên Sa, người đã có hơn 10 năm trong ngành du lịch đường sông, cho biết thêm: “Hiện, tất cả các điểm đến quanh bán đảo Sơn Trà và từ Ngũ Hành Sơn vào Hội An hầu như đã có các chủ đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp. Nhưng thực tế là rất ít tàu du lịch của chúng tôi có thể neo đậu và đưa du khách lên tham quan. Vì thế, chúng tôi thiết nghĩ, chỉ còn bãi Đá Đen (nơi có khu di tích căn cứ Thành ủy Đà Nẵng (1954-1958), là bãi biển gần như duy nhất chưa có chủ đầu tư xây dựng, thành phố nên có kế hoạch xây dựng thành khu du lịch. Trước mắt là một nhà nghỉ đón khách tạm thời bằng vật liệu tranh tre nứa lá dân dã để du khách sông nước có một chỗ ăn uống, nghỉ ngơi và tham quan”.
Hình thành nhiều điểm đến mới với nhiều loại hình dịch vụ-giải trí phù hợp, tạo được thêm nhiều tour, tuyến du lịch phục vụ du khách, tin rằng, khi du khách đã biết nhiều hơn về các tuyến, điểm này, ngành du lịch đường thủy sẽ phát triển đa dạng, phong phú và thu hút hơn khách du lịch đến với thành phố Đà Nẵng.
Bài và ảnh: Thanh Tình