Xe tải chở... quá tải là một trong những nguyên nhân khiến hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh và gây TNGT. Thế nhưng, việc xử lý những xe tải chở quá tải là điều không đơn giản vì chủ phương tiện và tài xế luôn tìm mọi cách qua mặt cơ quan chức năng.
Những chiếc xe Dongfeng này có thiết kế thùng xe rất rộng rãi nên chở quá tải cũng khó nhận biết được. |
Từ lách cơ quan đăng kiểm địa phương...
Theo quy định của Nhà nước, tất cả các loại ô-tô khi tham gia lưu thông, định kỳ phải đi đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật của xe. Xe không đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì không được phép lưu thông trên đường. Thế nhưng trên thực tế, các chủ phương tiện, nhất là với xe tải luôn có đủ mánh khóe để... vượt qua cơ quan đăng kiểm.
Lý giải điều này, kỹ sư Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng cho biết, nguyên tắc của chúng tôi là làm nghiêm túc, trong 56 nội dung kiểm tra nếu phát hiện bất kỳ nội dung nào không đạt tiêu chuẩn thì yêu cầu khắc phục đến khi nào đạt yêu cầu mới cấp giấy chứng nhận. 7 tháng đầu năm nay, chỉ riêng cơ sở 1 đã kiểm định lần 1 cho 13.095 phương tiện; trong số này có 3.288 phương tiện, chiếm 25,11% không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi đã yêu cầu sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, có không ít chủ phương tiện khi kiểm định tại Đà Nẵng không đạt đã đưa phương tiện đến cơ quan đăng kiểm ở địa phương khác “nhẹ tay” hơn để kiểm tra.
Đặc biệt là việc cơi nới thùng xe để tăng tải trọng thì trước đây rất nhiều phương tiện bị yêu cầu cắt bỏ, nay lỗi này gần như không có phương tiện nào vi phạm. Đây không phải là chủ phương tiện chấp hành tốt quy định, mà thực chất là... lách kiểm định. Vì khi đi kiểm định thì thùng xe đúng với thiết kế, nhưng khi đưa ra hoạt động thì lại chỉnh sửa thùng xe lớn hơn để chở được nhiều. Vì vậy cơ quan đăng kiểm không thể can thiệp được, ông Hương cho biết. Giải thích thêm về việc cơi nới thùng xe này, một kỹ sư của Trung tâm Đăng kiểm còn phân tích, khi phương tiện đưa đi kiểm tra gần như 100% thùng xe đạt yêu cầu, thế nhưng lại có đến 52,74% hệ thống phanh không đạt tiêu chuẩn. Điều này đã “tố giác” các phương tiện khi hoạt động đều chở quá tải và chạy với tốc độ cao nên ảnh hưởng đến hệ thống phanh.
... đến lách Cục Đăng kiểm Việt Nam
Trước đây, thị trường xe tải nói chung và xe tải ben nói riêng, phổ biến nhất là dòng xe của Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm ưu thế nhờ chất lượng cao. Từ năm 2010 đến nay, đã thay đổi mạnh, dòng xe Dongfeng, Trung Quốc chiếm gần 90% thị trường. Đối với những người am hiểu ngành vận tải, thì ngoài yếu tố về giá (bằng 1/2 so với xe Hàn Quốc và 1/3 so với xe Nhật), lợi nhiên liệu, dòng xe tải Dongfeng này còn có “ưu điểm” vượt trội nữa khiến các chủ phương tiện rất thích là thùng xe thiết kế rất rộng rãi. Theo hồ sơ kỹ thuật được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phép thì xe Dongfeng có tải trọng thiết kế là 10,2 tấn, và tải trọng lưu thông là 9,1 tấn. Tuy nhiên, thùng xe lại được thiết kế với kích thước lần lượt dài - cao - rộng là 8.650mm x 2.500mm x 3.450mm - đây là thiết kế thùng xe tương đương với mức tải trọng của 20 tấn. Vì vậy khi sử dụng xe Dongfeng này nếu chở 20 tấn thì cũng mới vừa đầy thùng xe nên nhìn bằng mắt thường xe chở... đúng tải trọng.
Theo kỹ sư Nguyễn Hương, bất cập là vậy, tuy nhiên xe Dongfeng không vi phạm thiết kế, vì trong hồ sơ thiết kế họ vẫn công bố tải trọng thiết kế, tải trọng lưu thông, còn việc thùng xe lớn nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu về mặt kỹ thuật nên Cục Đăng kiểm phải cấp giấy chứng nhận cho họ. Điều này cũng giải thích cho con số từ năm 2010 đến nay có đến 90% xe tải đăng ký mới tại Đà Nẵng là xe Dongfeng của Trung Quốc.
Như vậy để xử lý xe tải chở quá tải phải trông chờ vào lực lượng CSGT phát hiện, xử lý, bên cạnh đó là tinh thần làm việc nghiêm túc của chính lực lượng này.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn