Theo số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố có 8.252 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đang hoạt động, với tổng số vốn 15.462 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 97.000 lao động.
Đà Nẵng là một trong các địa phương có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh. Vì vậy, số lượng và chất lượng của DNVVN tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, xét về quy mô vốn, doanh nghiệp có trên 20 tỷ đồng có 16%; 15-20 tỷ đồng có 23%; 10-15 tỷ đồng có 27%; dưới 10 tỷ đồng: 33%. Về nguồn nhân lực thì, dưới 50 người: 30%; từ 50-100 người: 31%; từ 150-250 người: 41%. Về địa bàn hoạt động, quận Hải Châu là nơi có nhiều cơ sở nhất chiếm 21%; quận Thanh Khê: 17%, quận Sơn Trà: 15%, Ngũ Hành Sơn: 14%, Liên Chiểu: 13%; Cẩm Lệ: 10%, Hòa Vang: 9%.
Trong tình hình lạm phát tăng cao, yếu tố đầu vào tăng mạnh khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DNVVN gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Theo số liệu báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2011, do những biến động về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đã có 20% doanh nghiệp ngừng hoạt động, 25% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Nhiều khách hàng có đơn đặt hàng yêu cầu giảm giá sản phẩm, nhưng các doanh nghiệp không thể đáp ứng, vì bán theo giá cũ đã lỗ, nếu giảm giá nữa thì phá sản.
Thực tế các DNVVN đang cần vốn, nhưng với mức trần lãi suất huy động theo quy định của ngân hàng là 14%/năm, thì lãi vay đã là 19-20%/năm. Trên thực tế, lãi suất huy động đã vượt trần từ 19-20%/năm, nên lãi vay cũng đã tăng lên gần đến 30%/năm. Với mức lãi vay đó, trong điều kiện bình thường như trước đây cũng không kham nổi, chứ chưa kể đến tình hình khó khăn như hiện nay. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng không dám tiếp cận. Bên cạnh về lãi suất cho vay cao, các cơ sở tín dụng đã quy định siết chặt và các điều kiện vay vốn hết sức khắt khe, như: thế chấp tài sản, phương án sản xuất kinh doanh phải thật khả thi...
Các DNVVN để tồn tại, phải tự “cứu mình” bằng cách sử dụng đồng vốn của mình để duy trì sản xuất kinh doanh, tích cực nâng cao khả năng nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường và giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển qua sản xuất các mặt hàng thế mạnh để tạo việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2011, do tình hình lạm phát tăng cao, nhiều cơ sở vận tải không dám mạo hiểm đầu tư mua sắm xe mới, nên các cơ sở sản xuất ô-tô mới chỉ đạt được 25 - 30% doanh thu theo kế hoạch đề ra, đã có 11 cơ sở của Tổng công ty không có việc làm, cho người lao động nghỉ việc, nguy cơ phá sản cận kề. Trước tình hình đó, lãnh đạo công ty đã kịp thời chuyển hướng qua khai thác thêm sản phẩm trang thiết bị y tế và đẩy mạnh dịch vụ đại tu ô-tô, nên trong 6 tháng đầu năm đã có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân của người lao động trên 3 triệu đồng/tháng, riêng tháng 6 bình quân là 3,9 triệu đồng/tháng…”.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty Dịch vụ và vận tải Hòa Cường đã tâm sự: “Trước đây, hằng ngày chuông điện thoại réo liên hồi gọi chở hàng, không kịp phản hồi thì bị trách cứ, thế mà nay thỉnh thoảng mới có điện, chủ yếu là hỏi giá cước và chở hàng nhưng không nhiều. Công ty đã đi mời khách hàng và hạ giá cước đến mức không có lãi, song vẫn không có hàng để vận chuyển”.
Để cứu DNVVN trong bối cảnh lãi suất tăng cao, Nhà nước nên thành lập Quỹ hỗ trợ cho các DNVVN vay vốn với mức lãi suất thật ưu đãi, với các điều kiện, thủ tục vay đơn giản, để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, DNVVN cần phải chủ động khắc phục khó khăn trong giai đoạn hiện nay, hạn chế các khoản đầu tư không cần thiết, đa dạng hóa sản phẩm, tiến hành liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, đồng thời phát huy tính cộng đồng doanh nghiệp, giúp đỡ lẫn nhau để vươn lên.
Duy Hải