Thói quen trả giá của người mua và nói thách của người bán đã khiến thị trường hàng hóa muốn niêm yết theo đúng Pháp lệnh giá khó thực hiện.
Giá bao nhiêu là tùy...
Đến các chợ hiện nay, điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng hàng hóa không niêm yết giá hoặc niêm yết giá không đồng nhất. Có mặt hàng kê giá một đàng nhưng thực tế giá bán một nẻo. Trong đó, tiểu thương chỉ niêm yết giá ở một số mặt hàng như gạo, đậu, quần áo, giày dép, thực phẩm khô và một số đồ dùng gia dụng. Cũng vì giá cả không rõ ràng nên người bán muốn hô bao nhiều thì tùy, trong khi người mua phải lò dò trả từng bước một vì sợ hớ. Theo khảo sát của phóng viên, chỉ có một số chợ lớn của Đà Nẵng thực hiện tương đối việc niêm yết như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa…, những chợ khác vẫn trong tình trạng, giá bán bao nhiều là do người bán định đoạt.
Đơn cử như ở ngành hàng thực phẩm tươi sống, mặc dù có bảng giá thịt heo, bò treo trước quầy, nhưng khi mua giá có thể cao hơn hoặc thấp vài ngàn. Chị Hồng, người bán thịt ở chợ Hàn nói: “Niêm yết là niêm yết vậy thôi, chứ không lẽ sáng phải dán một giá, trưa một giá và tối lại dán một giá à?”. Phổ biến là mặt hàng quần áo, giày dép, giá “loạn xì ngầu”, cùng một loại nhưng quầy A niêm yết giá cao hơn quầy B, nhưng lại thấp hơn quầy C. Ngay cả những người bán có uy tín cũng niêm yết giá cho có lệ vì tùy khách mà bán. Nếu khách quen thì bán kiểu khác, khách lạ bán kiểu khác. Tuy nhiên, có tiểu thương vì cạnh tranh với nhau mà không đưa ra giá thực tế đúng với giá trị món hàng.
Trả cho “rớt răng, gãy lưỡi”
Đa số những người đi chợ đều phải trả giá. Đối với hàng rau, củ, quả, cá, tôm, lươn, ếch ở các chợ đều không có giá niêm yết. Nếu không rành đi chợ, mua hớ là chuyện thường tình. Chưa kể, mỗi ngày mỗi giá, cứ lên xuống như vậy, muốn mua hợp lý phải trả tới trả lui “gãy lưỡi” mới mua được. Chợ Hòa Khánh có lượng khách công nhân, sinh viên khá lớn. Tâm lý “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Muốn mua được món đồ, các sinh viên phải trả cho gãy lưỡi mới mua được.
Nhiều người tỏ thái độ bức xúc khi bị bắt chẹt về giá, lại còn bị chê bai, hù dọa. Trong một lần đi chợ, chúng tôi đã chứng kiến một sinh viên bị chủ sạp hàng quần áo ở chợ túm áo níu lại, bắt em này phải mua cho bằng được cái áo (vì thấy trả hớ nên em này không mua nữa, lập tức bị ép lấy cho bằng được). Khi hỏi BQL chợ Hòa Khánh vì sao không hướng dẫn tiểu thương niêm yết giá thì được trả lời: “Chưa làm được vì rất khó cho tiểu thương”. Lý do người bán đưa ra là hàng trăm mặt hàng làm sao niêm yết cho xuể, trong khi giá bán mỗi ngày một thay đổi, làm quá mất công.
Bao giờ kiểm soát được giá?
Theo thống kê, trung bình một năm, tại các chợ, chỉ có một vài vụ việc vi phạm về giá đưa ra xử lý với hình thức cảnh cáo, phạt hành chính… Theo ông Nguyễn Khắc Lương, Trưởng BQL chợ Đống Đa, hằng ngày BQL thường xuyên hướng dẫn tiểu thương niêm yết giá tất cả các mặt hàng trong chợ và yêu cầu bán đúng giá. Lực lượng kiểm tra liên tục rà soát, nếu phát hiện bán quá giá niêm yết sẽ kịp thời xử lý. Nhưng thực tế, phần lớn khách hàng đi chợ vẫn trong tình trạng “ngậm bồ hòn” khi trả hớ hoặc bị ép mua chứ không có phản ánh lên BQL.
Tình trạng loạn giá niêm yết tại các chợ vẫn diễn ra. Khi đề cập đến trách nhiệm của những người làm công tác quản lý thị trường thì một cán bộ quản lý thị trường cho rằng: Kiểm soát giá chỉ là một trong những nội dung của quản lý thị trường, về cơ bản, các BQL chợ phải là người kiểm soát giá niêm yết đầu tiên. Bà Phan Thị Sơn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng cũng thừa nhận rằng, mua bán nói thách, trả giá là tập quán lâu đời từ xưa nên không thể áp đặt ngày một ngày hai là thay đổi. Để chợ văn minh và cạnh tranh hơn, chúng tôi thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn về văn minh thương mại, nhằm nâng cao hơn ý thức của tiểu thương trong việc giao tiếp và bán hàng; đồng thời sẽ có những biện pháp răn đe mạnh tay hơn nữa với những trường hợp vi phạm Pháp lệnh về giá trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Duyên Anh