.

Phát triển nghề cá - Bài 1: Thực trạng

.

Mấy năm gần đây, mặc dù được đầu tư khá cơ bản về cơ sở hậu cần nghề cá, song số tàu cá ở Đà Nẵng vẫn giảm đáng kể. Năm 2007 có hơn 2.100 chiếc, tổng công suất khoảng 75 nghìn CV, trong đó đánh bắt xa bờ 183 chiếc, thì nay chỉ còn hơn 1.700 chiếc, với 157 tàu đánh bắt xa bờ. Liên tục nhiều năm liền, ngư dân không đóng mới được chiếc tàu công suất lớn nào, trong khi thuyền nan, thúng máy (loại không có chủ trương phát triển) ra đời khá nhiều, hiện có 680 chiếc.

 

Mô tả ảnh.
Chuyến biển thắng lợi.  Ảnh: NGUYỄN CẦU

 

Hiện tại, ngư dân Đà Nẵng chưa có nghề đánh bắt nào thực sự bền vững, mang tính đặc thù, những nghề đang triển khai đều tiếp cận kinh nghiệm từ các địa phương khác. Câu mực khơi nhiều năm là thế mạnh của ngư dân Thanh Khê, nay mai một dần, từ hơn 120 chiếc tàu đầu năm 2006, nay chỉ còn 12 chiếc. Nhiều tàu công suất nhỏ vẫn triển khai các nghề bị cấm như lưới kéo mắt nhỏ, mành điện để mưu sinh. Đời sống tại các làng chài ven biển chậm cải thiện, thậm chí đang gặp khó khăn trước thực trạng giá dầu cao như hiện nay. Tỷ lệ tàu nằm bờ khá nhiều. Lao động nghề biển ngày càng ít. Đa số tàu cá hạ thủy trước năm 2000 nay xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nghề cá được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, bao gồm âu thuyền, cảng cá, chợ đầu mối, KCN dịch vụ thủy sản... Trước đây, sản lượng hải sản thường đạt trên 40 nghìn tấn/ năm, mấy năm gần đây chỉ đạt trên 30 nghìn tấn. 6 tháng đầu năm nay, giai đoạn đánh bắt thuận lợi nhất trong năm cũng chỉ đạt 21.300 tấn.

Ở một số địa phương, khai thác hải sản là thế mạnh nhưng số tàu đã giảm nhiều so các năm trước. Cụ thể như phường An Hải Tây (Sơn Trà), năm 2007 có 194 tàu cá, trong đó trên 30 chiếc đánh bắt xa bờ, nay chỉ còn 84 chiếc, 17 tàu đánh bắt xa bờ. Ông Lê Viết Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: Trước đây, đánh bắt hải sản của địa phương rất sôi động, thế mạnh là nghề giã đôi cao tốc. 3 - 4 năm trở lại đây, không chỉ những tàu nhỏ đánh bắt kém hiệu quả phải thanh lý mà tàu công suất lớn cũng bán.

 

Mô tả ảnh.
Ngư dân Nam Ô ra biển trên các thúng máy.

 

Cụ thể như ông Đặng Văn Mầy vốn là ngư dân sản xuất giỏi, nay cả cặp tàu 270 CV đều đã bán cho địa phương khác. Tương tự, phường Xuân Hà (Thanh Khê), thời kỳ cao điểm (2005) có 162 chiếc, năm 2009 giảm xuống chỉ còn 76 chiếc và nay chỉ còn 42 chiếc, trong đó 24 chiếc đánh bắt xa bờ. Cách đây 5 năm, phường Thanh Khê Đông có gần 100 tàu đánh bắt xa bờ trong tổng số hơn 120 chiếc, nay còn 61 chiếc, trong đó 33 chiếc đánh bắt xa bờ. Một số địa phương nghề khai thác hải sản có từ lâu đời như phường Mân Thái (Sơn Trà), phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu)... nhiều năm nay không có chiếc tàu nào đánh bắt xa bờ (phường Mân Thái có 1 chiếc nhưng đã chuyển nhượng vào Kiên Giang).

Là địa phương có tiềm năng và thế mạnh về khai thác hải sản nhưng vì sao số tàu và sản lượng hải sản đánh bắt đều giảm? Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Đánh bắt hải sản là hoạt động gian nan vất vả, lắm rủi ro, thu nhập thất thường, nên số người tâm huyết gắn bó với biển ngày càng ít. Ở Đà Nẵng, điều kiện để đầu tư vào lĩnh vực khác thuận lợi hơn, cơ hội để lao động chọn nghề trên đất liền nhiều hơn, nên  ngày càng ít người chọn nghề biển để mưu sinh. Nhiều tàu thiếu lao động, nằm bờ dài dài, đành chọn giải pháp thanh lý để tránh lãng phí và xuống cấp. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến số tàu ở Đà Nẵng giảm mạnh trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho đóng mới, nâng cấp tàu không hề đơn giản. Nhiều năm nay, ngành ngân hàng hầu như đóng băng đối với ngư dân. 2 cơn bão tàn khốc Chanchu và Xangsane năm 2006 gần như đánh gục hoạt động đánh bắt hải sản ở Đà Nẵng khi khá nhiều tàu bị thiệt hại và lao động  trên biển giảm mạnh. Đó là chưa kể dầu liên tục tăng giá, chi phí đầu vào cao, ngư dân thu nhập thấp, nhiều người rời tàu tìm việc khác. Sự hỗ trợ của trên có nhưng chưa đủ lực để thúc đẩy hoạt động khai thác hải sản phát triển. Từ năm 2007 đến nay, ngoài việc thành lập 97 tổ đội sản xuất trên biển, trang bị cho mỗi tổ đội 1 máy ICOM, đào tạo hơn 600 thuyền trưởng, máy trưởng, kinh phí đầu tư cho khai thác hải sản chỉ hơn 1 tỷ đồng, chủ yếu dùng để chuyển đổi nghề và lắp đặt hầm bảo quản hải sản, tập huấn kỹ thuật... Các cơ sở đóng sửa tàu thuyền giảm từ 12 (năm 2000) xuống chỉ còn 5 như hiện nay, trong đó chủ yếu sửa chữa vừa và nhỏ...

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.