.

Thịt không thiếu, giá vẫn cao

.
Trong tháng 8 này, mặc dù giá thịt gia súc, gia cầm ở một số tỉnh phía Nam và phía Bắc có giảm đôi chút, song tại Đà Nẵng vẫn chưa hạ nhiệt. Cụ thể, giá thịt heo mông vẫn ở mức 110 - 120 nghìn đồng/kg, thịt bò 180 - 200 nghìn đồng/kg, thịt gà ta 130 - 150 nghìn đồng/kg, thịt gà CP giá bình quân 55 - 60 nghìn đồng/kg...
 
Mô tả ảnh.
Nguồn cung thịt heo trên thị trường vẫn dồi dào.
 
Riêng các loại thực phẩm chế biến chín tăng đáng kể so với hồi tháng 5, tháng 6, trung bình tăng từ 20 - 40 ngàn đồng/kg như giò heo muối, heo xông khói đang ở mức 180 - 200 ngàn đồng/kg và đang tiếp tục tăng. Ông Phạm Đắc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Vinh cho biết, việc thu mua và cung ứng thịt heo một số tháng đầu năm đến nay vấp phải khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh ở các địa phương miền Trung, nhất là Quảng Nam, nơi cung ứng nguồn heo không nhỏ cho thị trường Đà Nẵng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh giữa các thương lái với nhau cũng gây trở ngại trong việc tìm nguồn hàng ổn định. 

Trong vòng một tháng qua, theo ước tính của Hải quan khu vực phía Nam, các địa phương từ Đà Nẵng trở vào đã nhập khẩu trên 10 nghìn tấn thịt gà đông lạnh các loại, tăng hơn 200% so với nhập thông thường; số lượng gà thịt từ Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam đang sản xuất và tiêu thụ là 0,7 triệu gà công nghiệp nuôi thịt một tuần. Nếu trung bình mỗi hộ chăn nuôi 3.000 gà công nghiệp thì khu vực này đã có 2.000 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Theo Sở Công thương, nhu cầu tiêu dùng thịt trên địa bàn rất lớn, với công suất giết mổ tại các lò mổ tập trung lớn nhất như Đà Sơn, Phước Tường, trung bình mỗi ngày có khoảng 900 - 1.200 con heo, bò và 2.000 - 3.000 con gà, vịt đưa ra cung ứng cho thị trường. Ngoài các trang trại chăn nuôi heo, bò, gà, Đà Nẵng có hàng trăm cơ sở chăn nuôi các loại thịt gia cầm khác như chim, vịt, nhím, đà điểu, heo rừng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thịt ở Đà Nẵng.

Thông thường vào những tháng hè thời tiết nắng nóng, mức tiêu thụ thịt heo giảm từ 5 - 7% so với các mùa khác trong năm, kéo theo giá giảm, nhưng riêng hè năm nay, giá thịt heo lại tăng lên mức cao thất thường. Giá thịt heo tăng đã kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng. Vì sao lại có nghịch lý này? Số liệu từ cơ quan chức năng cho biết, lượng thịt heo đông lạnh nhập trong tháng 7 nhiều gấp 4 lần lượng nhập về trong tháng 6, đạt gần 50% tổng lượng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân thịt nhập về nhiều được giải thích là do giá heo hơi trong nước tăng mạnh, lên mức chưa từng thấy là 64 nghìn đồng/kg, do vậy, các nhà nhập khẩu tranh thủ nhập về để chiếm thị phần. Hiện giá thịt heo đùi nhập khẩu 64 - 65 nghìn đồng/kg, rẻ hơn thịt tươi từ 25 - 30 nghìn đồng/kg.
 
Có thể nói, trước việc nhập khẩu thịt heo, thịt gà ồ ạt như trong tháng 7 vừa qua một mặt bù cho lượng thịt thiếu hụt, mặt khác đã tác động tới người chăn nuôi trong nước. Ở một số địa phương có quy mô nuôi không lớn như Đà Nẵng, vốn đã phải đối mặt với thách thức như vốn vay bị siết chặt, lãi suất cao, vật liệu xây dựng chuồng trại, chi phí nhân công tăng... khiến người chăn nuôi ngại ngần đầu tư vào chăn nuôi. Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố cho hay, hơn 80% lượng heo đưa về giết mổ tại Đà Nẵng từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai. Do vậy, việc giá tăng hay giảm đều bị các thị trường này chi phối rất lớn.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), với tốc độ tái đàn như hiện nay, dự báo đến cuối tháng 8 giá thịt heo sẽ giảm so với hiện nay từ 10% - 15%. Cục Chăn nuôi cũng khẳng định: Thịt heo trong nước không thiếu, chăn nuôi trang trại đang phát triển mạnh, dịch bệnh đã được khống chế về cơ bản. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2012 không thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt heo, nên người tiêu dùng không nên lo lắng.

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.