.

Khơi dòng vốn Nhật

.
Trong bối cảnh lạm phát đã khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam cũng như tại Đà Nẵng có dấu hiệu thu hẹp đáng kể trong thời gian qua. Vốn FDI sụt giảm là do những khó khăn của kinh tế thế giới hiện nay đã khiến các nhà đầu tư hạn chế mở rộng hoặc phải thận trọng hơn khi triển khai các dự án mới.

Mô tả ảnh.
Đoàn DN Nhật Bản đến Đà Nẵng tìm hiểu môi trường đầu tư vào tháng 9-2011.
 
Hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng có 51 dự án FDI và liên doanh của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 240 triệu USD. Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực chế biến bột giấy xuất khẩu, linh kiện điện tử, phần mềm, hậu cần thủy sản... Ngoài ra, DN Nhật Bản cũng thiết lập 20 chi nhánh, văn phòng đại diện của các tập đoàn lớn như Sumitomo, AIC, Itochu... Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết, Nhật Bản xếp thứ 4 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Đà Nẵng nhưng DN Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Mặt khác, với môi trường đầu tư thông thoáng, DN Nhật Bản đã sản xuất kinh doanh hiệu quả tại Đà Nẵng.

Những tháng qua, DN Nhật Bản vẫn liên tục đến Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Điều này cho thấy dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vẫn luôn đi vào thực chất và khả năng dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ tìm đến Việt Nam và Đà Nẵng nhiều hơn, khi các DN Nhật Bản tổ chức lại mạng lưới sản xuất toàn cầu sau thảm họa kép động đất - sóng thần. Cơ quan Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho hay, qua khảo sát 133 DN lớn của Nhật Bản thì có đến 40% số DN có ý định mở rộng đầu tư sang các nước khác. Điểm đến của hầu hết số DN này là châu Á, và Việt Nam cũng nằm trong vùng được kỳ vọng sẽ được quan tâm hơn trước.

Trên thực tế, DN Nhật Bản đang thực sự cơ cấu lại sản xuất và tái cơ cấu đầu tư. JETRO Nhật Bản vừa thành lập đoàn DN khảo sát tình hình đầu tư vào các nước Đông Nam Á, mà cụ thể là đầu tư vào khu vực Hành lang Kinh tế Đông Tây. JETRO huy động toàn bộ mạng lưới xúc tiến đầu tư từ các quốc gia như Trung Quốc, Singapore và lãnh sự quán tại các nước để hỗ trợ DN Nhật Bản trong việc cơ cấu lại sản xuất. JETRO Nhật Bản cũng hợp tác với Đài Truyền hình NHK tại Singapore tuyên truyền quảng bá cho một “sự chuyển dịch đầu tư” quan trọng trong giới DN Nhật Bản.

Ông Hayashi Tetsusaburo, Phó Chủ tịch điều hành JETRO Tokyo - Nhật Bản nhận định: “Việc hợp tác đầu tư vào khu vực tiểu vùng sông Mekong đang là sự lựa chọn của DN Nhật Bản. Sự kết nối của các nền kinh tế khu vực đang được xích lại gần và DN Nhật Bản không đứng ngoài cơ hội này”. JETRO cũng nhìn thấy cơ hội đầu tư vào khu vực ASEAN khi mà đến năm 2015, khu vực này xóa bỏ hàng rào thuế quan nội khối. Ông Iichi Setsuo, Chủ tịch JETRO tại Bangkok, Thái Lan kiêm Trưởng đại diện JETRO tại ASEAN và Nam châu Á cũng không giấu xu hướng đầu tư mới của DN Nhật Bản: “Tôi đã trực tiếp đến thăm các DN Nhật Bản đầu tư sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng. Tôi vui mừng khi chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tạo điều kiện để DN Nhật sản xuất kinh doanh. Tuy sự thay đổi những chính sách trong quản lý Nhà nước như vấn đề môi trường, giá điện... có làm tôi quan ngại, nhưng hoạt động đầu tư của DN Nhật Bản vào Việt Nam và Đà Nẵng sẽ bắt đầu khởi động trở lại”.

Bà Yokuta Junko, Đại sứ Nhật Bản tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cũng vừa đến Đà Nẵng để hỗ trợ DN Nhật Bản hợp tác đầu tư. “DN Nhật Bản đang tìm kiếm điểm đầu tư an toàn, ổn định hơn”, bà Yokuta Junko nói. Đi cùng với bà Đại sứ đến Đà Nẵng có các DN Nhật Bản như Hitachi, Mabuchi Motor tại Singapore, Mitsui Sumitomo, Nippon, Fuji, Nikon, Kawasaki Heavy... Điều này cho thấy đang có sự mở đường cho một dòng vốn đầu tư mới của giới doanh nhân Nhật Bản vào các nước tiểu vùng Mekong, mà Đà Nẵng là cửa ngõ quan trọng.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG
;
.
.
.
.
.