“Ở ngư trường xa bờ cá nhiều lắm. Đánh bắt bằng nghề lưới vây, sử dụng máy tầm ngư, mỗi chuyến biển thu 15 - 20 tấn là thường”. Ông Lê Văn Chiến, ở tổ 4 phường Xuân Hà (Thanh Khê), thuyền trưởng tàu ĐNa 90351, tâm sự như vậy với Đoàn cán bộ tham gia chuyến thực hành sử dụng máy dò ngang trên tàu ông vừa qua.
Lãnh đạo Hội Nông dân phường Xuân Hà và nhiều ngư dân tham gia chuyến thực hành sử dụng máy dò ngang trên biển đều xác nhận điều ông Chiến tâm sự hoàn toàn xác thực. Bán cá xong, trừ hết các khoản chi phí, chủ tàu có trong tay 300 - 350 triệu đồng, ngư dân mỗi người 15-20 triệu đồng. Ông Chiến cho biết thêm: 6 năm sử dụng máy dò đứng, hầu như chuyến nào cũng lãi, bởi ngư dân phát hiện ra đàn cá khá chính xác để thả lưới vây bắt, nhờ vậy chuyến nào cũng năng suất cao. Hiện nay, thành phố và ngành thủy sản hỗ trợ thêm máy dò ngang, cơ hội đánh bắt hiệu quả càng lớn từ khả năng phát hiện đàn cá gấp hàng chục lần so máy dò đứng. Hỏi ông từ đầu năm đến nay ra khơi mấy chuyến, đưa về bao nhiêu tấn cá, ông cho biết chuyến vừa rồi là chuyến thứ 7, tính trung bình mỗi chuyến 15 tấn, đã đưa về khoảng 100 tấn, chủ tàu có trong tay gần tỷ đồng, ngư dân khoảng 80 - 90 triệu đồng/người.
Không như một số tàu sau bận mực lá đại dương rớt giá thê thảm, chuyển nghề, ông Nguyễn Văn Cu, ở tổ 28 phường Thanh Khê Đông (Thanh Khê) vẫn kiên trì đánh bắt bằng nghề câu mực truyền thống của mình. Và rồi, không phụ những ngư dân chung tình với nghề, từ cuối năm ngoái đến nay, tàu ông liên tục trúng đậm. Chuyến mới nhất cập bến giữa tháng 8 vừa qua, tàu ĐNa 90258, công suất 340CV của ông đưa về 28 tấn mực khô. Với giá 130 nghìn đồng/kg, chuyến biển hơn 2 tháng của 35 thuyền viên, thu 3,6 tỷ đồng. Trừ hết các khoản phí tổn, chủ tàu thu gần 600 triệu đồng, bạn làm công trên tàu 70 - 80 triệu đồng/người. Tương tự, tàu ĐNa 90370 của ông Đào Ngọc Bé, ở tổ 26 Thanh Khê Đông đưa về gần 30 tấn sau 1 tháng rưỡi bám biển ở ngư trường xa bờ. Không giấu nổi niềm vui, qua sóng điện thoại, ông cho biết năm nay, không chỉ đánh bắt thuận lợi, năng suất cao, mà mực được giá, dễ bán. Chủ tàu và ngư dân đều phấn khởi. Trước đây kiếm lao động đi biển không dễ, còn nay không phải lo nữa. Chuyến biển gần 2 tháng thu trên dưới 20 triệu đồng/người.
Có thể nói, đánh bắt hải sản ở ngư trường xa bờ trên tàu công suất lớn đang là hoạt động hiệu quả. Thực tế này đặt ra cho ngành Thủy sản cần có sự đột phá trong chuyển đổi nghề cho ngư dân và mạnh dạn đầu tư đóng mới nhiều tàu công suất lớn. Một số chính sách ưu đãi của Chính phủ về lĩnh vực này đã ban hành là cơ hội rất lớn cho ngư dân vươn khơi. Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết ngành đã có chủ trương ưu tiên phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, trang bị máy tầm ngư, máy định vị GPS cho các tàu công suất lớn. Hy vọng trong tương lai gần, hoạt động đánh bắt thủy sản của thành phố sẽ có bước chuyển biến tích cực, các nghề câu mực khơi, lưới vây, lưới cản sẽ ưu tiên đầu tư có chiều sâu để nhiều ngư dân có cơ hội làm giàu.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu