.

Nhiều chợ xuống cấp

.
Lụp xụp, nhếch nhác, mất vệ sinh là thực trạng của các chợ nhỏ hiện nay ở Đà Nẵng. Trong khi chờ đợi kế hoạch nâng cấp hoặc xây mới thì người mua lẫn người bán vẫn phải chịu bẩn.
Mô tả ảnh.
Chợ tạm Bình Hòa một thời nhếch nhác tuy đã giải tỏa, nhưng có nguy cơ tiếp tục họp chợ.
 
Nằm bên đường Nguyễn Công Trứ,  lối vào duy nhất của chợ Bà Kỷ (quận Sơn Trà) là con đường đất, nhỏ hẹp chỉ đủ một xe máy đi tới. Bên trong chợ là những quầy sạp tạm bợ, mấy hàng cá, tôm bày bán dưới nền xi-măng lỗ chỗ ổ gà. Đã chật chội, ẩm thấp, người bán còn liên tục đổ nước rửa cá ra nền chợ, khiến khách hàng có khi không tránh kịp là “lãnh đủ” mùi nước tanh hôi.

Chợ Thanh Khê 1 (quận Thanh Khê) đi vào hoạt động từ tháng 5-2010, tuy mới hơn một năm nhưng nạn ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra. Nhiều gia đình xung quanh chợ thoát nước sinh hoạt “ké” vào hệ thống thoát nước của chợ làm cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do hệ thống thoát nước của chợ không tốt nên chỉ sau trận mưa, một số gian hàng đã bị ngập trong nước. Các tiểu thương liên tục kêu ca vì chợ không có các máng xối hứng nước, mỗi lần mưa phải căng bạt, nước đầy ự chực đổ xuống bất cứ khi nào.

Dù ở trung tâm của quận Hải Châu nhưng các chợ Nam Dương, Cây Me, Cô Giang tồn tại hết sức lộn xộn. Ít quầy sạp được kê cao, số còn lại là hàng rong bày bán thực phẩm dưới nền đất trải ni-lông hoặc tấm ván. Nhu cầu sử dụng nước để rửa ráy nhiều và do không có cống thoát, cứ thế mạnh ai người nấy đổ nước lênh láng ra giữa lối đi của chợ, mặc cho bảo vệ nhắc nhở. Rác rưởi không được thu gom thường xuyên, trời nắng mùi hôi rất khó chịu. Những chợ này, quầy thức ăn chín-sống lẫn lộn càng nhếch nhác hơn.

Chợ Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu) đã nhiều năm nay có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp nhưng chợ vẫn giống như tấm áo vá chằng vá đụp. Sửa chữa khu vực này, xập xệ khu vực khác. Người đi chợ có khi không dám vào, chỉ ngồi trên xe máy mua vài món rau, thịt cần thiết. Ngao ngán nhất là những chợ quê, tạm không ra tạm, cố định không ra cố định như chợ Quan Nam (Hòa Liên), chợ Đông Hòa (Hòa Châu). Nhiều chợ khác của huyện Hòa Vang do chỉ được đầu tư về nhà lồng mà không có nhà vệ sinh khiến người dân khi cần là phóng uế bừa bãi.

Theo số liệu mới nhất của Sở Công thương, hiện Đà Nẵng có 85 chợ đang hoạt động, nếu tính riêng số chợ tạm, chợ loại 3 có gần 80 chợ cần phải tu bổ và nâng cấp. Trong số những chợ đó, có những chợ “lầy lội” từ nhiều năm nay gây không ít bức xúc cho người dân. Chị Thu Hằng, nhà ở đường Nguyễn Văn Thoại nói: “Nhà tôi ở gần chợ An Cư, không lẽ hôm nào cũng phải chạy qua mấy siêu thị trung tâm ở Đà Nẵng để mua thức ăn. Cả chục năm nay rồi, chợ vẫn vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, chật chội, lênh láng nước. Ngán nhất là ghé vào dãy hàng cá, rảo chân một bước là bùn bắn lên tận gối”.

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, hiện có quá nhiều chợ đang chờ đầu tư nâng cấp, chưa kể có thêm nhiều chợ mới phát sinh theo nhu cầu, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước khá hạn chế. Do vậy, thành phố cần sớm ban hành quy chế đấu thầu về quản lý khai thác chợ để các thành phần kinh tế có cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương xã hội hóa chợ, đồng thời hằng năm cân đối kế hoạch tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp các chợ hạng 3 đã xuống cấp, nhất là các chợ vùng nông thôn.

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.