.

Nông dân chủ động tiếp cận CNTT

.

Những năm qua, thực hiện chủ trương “Đưa CNTT về nông thôn”, các cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về CNTT và phổ cập tin học cho nông dân, giúp họ chủ động tiếp cận với các tiến bộ về khoa học kỹ thuật (KHKT) phục vụ sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống.

 

Mô tả ảnh.
Trồng nấm ở hộ chị Phan Thị Ước (Hòa Phú).

 

Bằng việc tổ chức các đợt tập huấn, phổ biến kiến thức về CNTT, bà con nông dân đã quen dần với cách sử dụng máy tính và cách tra cứu thông tin trên mạng Internet, nhất là tìm hiểu về KHKT. Từ đó, nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Tại các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Sơn ( Hòa Vang), nhiều hộ nông dân đã đào ao nuôi cá, ếch, nhím, heo rừng, dê, bò, gà thả vườn, trồng nấm, trồng rừng... đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ chỗ nghèo khó đã vươn lên làm giàu.

Đơn cử như hộ bà Phan Thị Được (xã Hòa Phú) thành công với mô hình VACR, trừ mọi chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; hộ anh Phan Nghĩa (xã Hòa Phú) nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất, làm dịch vụ cày xới thời vụ cho bà con kết hợp với chăn nuôi và trồng rừng, bình quân thu nhập trừ chi phí còn 32 triệu đồng/người/năm... Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được bà con triển khai hiệu quả như nuôi nhím và gà rừng của hộ anh Nguyễn Thanh Tương, nuôi gà thả vườn của hộ anh Huỳnh Như Khánh, trồng rau sạch chuyên canh của hộ anh Phan Đình Thành (xã Hòa Ninh), nuôi cá của hộ anh Lê Cổ, trồng nấm của hộ chị Phan Thị Ước (xã Hòa Phú)...

Về nông thôn mới thấy rõ bà con nông dân đã không ngừng nỗ lực tìm tòi thông tin thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách vở, báo chí... ứng dụng vào thực tiễn trồng trọt, chăn nuôi gia đình. Nhiều cán bộ Hội Nông dân sau khi được tập huấn đã về hướng dẫn cho bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa các dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, định hướng trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp... Anh Nguyễn Thanh Tương (xã Hòa Ninh), chia sẻ: “Hồi mới đi nghĩa vụ quân sự về, công việc chưa ổn định, cuộc sống rất vất vả. Sau khi nghe trên xã có tập huấn phát triển chăn nuôi động vật hoang dã, tôi đi học và sau đó đã tìm hiểu kỹ trên mạng, rồi quyết tâm chọn nuôi nhím và gà rừng để phát triển kinh tế. Mạnh dạn vay vốn đầu tư, sau 1 năm, gia đình tôi thu hồi lại vốn và đến nay cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình vì thế mà vững hơn rất nhiều”.

Ngoài việc giúp bà con nông dân các vấn đề chăn nuôi, trồng trọt qua Internet, tại trụ sở Hội Nông dân các xã có các tủ sách, báo, tạp chí liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp để bà con đến trao đổi và phổ biến kinh nghiệm cho nhau. Anh Lê Duy Cửu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang, cho biết: “Bà con nông dân bây giờ đã mạnh dạn hơn với việc ứng dụng CNTT, KHKT vào sản xuất, chăn nuôi. Từ những chương trình tập huấn của thành phố mà cán bộ Hội và Chi hội Nông dân tiếp thu về truyền đạt lại  cho bà con đã có sự đầu tư đúng hướng, ứng dụng các thành tựu KHKT vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Không những thế, việc ứng dụng CNTT đã giúp cho Hội Nông dân huyện Hòa Vang tiếp nhận những thông tin từ các Hội Nông dân xã và các chi hội được nhanh chóng và thuận tiện hơn”.

Bài và ảnh: Biển Hồ

;
.
.
.
.
.