.

Tháo gỡ ách tắc tín dụng doanh nghiệp

.
Thực hiện chủ trương của NHNN về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, cũng như tạo điều kiện cho các DN duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, một số ngân hàng đã thực hiện việc hạ lãi suất (LS) cho vay xuống còn 17-19%/năm. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này là điều không dễ.

Mô tả ảnh.
DN mong các NH tạo điều kiện cho vay vốn (ảnh mang tính minh họa).
Theo công bố, NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho vay với LS ưu đãi từ 15,0% - 17,5%/năm. Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) và NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dành tổng cộng 10.200 tỷ đồng cho vay ưu đãi; NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 2.000 tỷ đồng; NHTMCP An Bình (ABBank) 1.000 tỷ đồng; NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 3.000 tỷ đồng… Đặc biệt, NH Kỹ thương (Techcombank) cũng vừa công bố không hạn chế nguồn vốn cho vay đối với DN theo chương trình “Tài trợ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lãi suất ưu đãi”… Tuy nhiên dư luận nghi ngại rằng, sẽ có bao nhiêu DN tiếp cận được nguồn vốn vay này?

Đại diện Công ty Bình Vinh nói rằng các NH công bố LS cho vay hạ xuống mức 17-19%/năm, song DN này lại đang đi vay với mức LS trên 20%. Bản thân doanh nghiệp này cũng như các DN khác không dễ dàng tiếp cận được vốn NH. Cùng chung bức xúc đó, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố cho rằng: Hiện nay, hầu như tất cả các DNNVV đều khó tiếp cận được vốn của NH. Vì vậy, nhiều DN đang đứng trước tình trạng thu hẹp sản xuất, kinh doanh và nhiều nguy cơ sẽ bị phá sản trong nay mai. Được biết các NH đều đưa ra mục tiêu là tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất, song cho đến thời điểm này, “room” tín dụng cho vay của một số NH hầu như đã hết.
 
Đơn cử như NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Đà Nẵng công bố sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay từ 16-17%/năm cho một số DN đáp ứng được điều kiện của NH, nhưng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố mới đây, NH này cho biết hiện tại “room” tín dụng cho vay gần như đã hết, vì trước đó đã sử dụng cho vay nhiều rồi, đồng thời nguồn vốn cho vay của chi nhánh do Hội sở quyết định và dựa trên kết quả dư nợ huy động được. Ngoài ra, để được vay vốn, còn phải có các điều kiện khác như DN có quan hệ tốt, làm ăn lâu năm với NH, có dự án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp… Ngay cả khi LS cho vay tất cả các DN, không phân biệt loại hình hoạt động về mức trên 17%/năm, thì cũng ít DN có thể “sống khỏe” với mức LS kỳ vọng trên.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc NH Hàng hải (Maritime Bank) cho biết: “Động thái giảm LS lần này là tín hiệu đáng mừng rõ nét nhất đối với DN sau 9 tháng thăng trầm vừa qua. Tuy nhiên, LS vay 17-19% vẫn được coi là mức cao và đứng dưới quan điểm của NH, chúng tôi hy vọng LS cho vay sẽ vẫn tiếp tục giảm khi nền kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định”.

Thực tế cho thấy, hạ LS là một chuyện, còn việc vay được hay không lại là chuyện khác, bởi theo lãnh đạo một NHTM lớn cho biết: Khách hàng vay vốn sẽ được đánh giá và xếp nhóm. Với khách hàng tiềm năng rủi ro thấp thì LS thấp, khách hàng rủi ro cao thì LS phải chịu cao“. Theo thông tin từ một NHTM, NH này sẽ xem xét giảm LS đối với các DNNVV, nhưng vẫn dành ưu tiên vốn cho các đối tượng khách hàng thân thiết và có nhu cầu vốn ngắn hạn. Và việc giảm LS chỉ áp dụng đối với khách hàng vay để sản xuất, không áp dụng cho các khoản vay thương mại phi sản xuất. Bên cạnh đó, cái khó của các NH hiện nay là quy định hạn mức tăng trưởng 20% của Ngân hàng Nhà nước, nên nhiều NH còn vốn nhưng không thể cho vay do đã “xài” hết hạn mức này.
 
Bài và ảnh: Phương Uyên
;
.
.
.
.
.