.

Thúc đẩy hợp tác đầu tư với Thái Lan

.

Từ đầu năm đến nay, liên tục có nhiều đoàn công tác của Chính phủ và các địa phương Thái Lan đến tìm hiểu và tăng cường hợp tác đầu tư tại thành phố Đà Nẵng. Sự hợp tác đã được thể hiện qua hoạt động xúc tiến du lịch, giáo dục - đào tạo.

 

Mô tả ảnh.
Đại học Đà Nẵng hợp tác phát triển giáo dục với Thái Lan.

 

Sự hình thành Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) dài 1.450 km đi qua 4 quốc gia Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanmar đã đặt ra sự kỳ vọng về hợp tác đầu tư các nước tiểu vùng sông Mekong. Việc hợp tác phát triển kinh tế, xúc tiến đầu tư được các địa phương vùng Đông Bắc Thái Lan và thành phố Đà Nẵng quan tâm. Từ đầu năm đến nay, nhiều đoàn doanh nhân Thái Lan đã đến Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến hợp tác phát triển du lịch.

Được biết, Đà Nẵng cũng quan tâm hợp tác đầu tư với Thái Lan. Hằng năm, thành phố Đà Nẵng đều cử các đoàn đến Thái Lan để tăng cường, củng cố mối quan hệ hữu nghị hợp tác; tìm hiểu và học hỏi các mô hình, kinh nghiệm trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và du lịch... Mặt khác cũng mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Thái Lan đến Đà Nẵng. Ngoài ra, hằng năm nhiều cán bộ, học sinh, sinh viên của Đà Nẵng đến Thái Lan để học tập, đào tạo nâng cao trình độ.

Tại Đà Nẵng, hiện có 3 văn phòng đại diện doanh nghiệp Thái Lan hoạt động và 6 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ Thái Lan; đã có 33 doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Đà Nẵng... Năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt 12 triệu USD, trong đó Đà Nẵng nhập siêu từ Thái Lan gần 11 triệu USD. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Đà Nẵng sang Thái Lan là thủy sản, cà-phê, gỗ, thủ công mỹ nghệ, cao su thành phẩm... Hàng nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất như hạt nhựa, hóa chất, cao su tổng hợp, phôi thép, nguyên phụ liệu may, nguyên phụ liệu giày, linh kiện xe máy, xăng dầu, vật tư thiết bị điện, điện tử, điện lạnh…

Ông Xuraphôn Xaiphăn, Tỉnh trưởng tỉnh Ubôn Rat Cha Tha Ni (Thái Lan) cho rằng: Đà Nẵng tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp Thái Lan đến sản xuất kinh doanh. Theo ông, với vị trí điểm cuối EWEC, Đà Nẵng có cảng nước sâu, sân bay, hệ thống đường bộ và nhà ga xe lửa được đầu tư đồng bộ, là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp Thái Lan. Riêng với việc dự kiến mở đường bay từ Đà Nẵng đi Ubôn Rat Cha Tha Ni, phía Thái Lan rất sẵn sàng vì hiện nay nhu cầu đi lại trong hợp tác phát triển kinh tế, du lịch... từ các tỉnh vùng Đông bắc Thái Lan sang Việt Nam rất lớn. Ông Chanvit, Tỉnh trưởng Mukdahan trong chuyến công tác gần đây tại Đà Nẵng cũng ấn tượng trước sự phát triển nhanh chóng của thành phố và cho biết sẽ cử cán bộ Mukdahan sang học tập mô hình của Đà Nẵng về đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Hiện nay, tỉnh Mukdahan đang tập trung đầu tư phát triển logistic (hậu cần vận tải) nên có nhiều điều kiện hợp tác với Đà Nẵng.

Tân Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam, ông Anuson Chinvanno cũng bày tỏ sẽ làm cầu nối giới thiệu các doanh nghiệp Thái Lan đến Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực thương mại, du lịch, công nghệ cao. Trong đó có việc  xem xét thành lập Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại Đà Nẵng. Mục tiêu trước mắt là sớm xúc tiến đường bay Đà Nẵng - Thái Lan qua sân bay Ubôn Rat Cha Tha Ni và ngược lại để tăng cường giao lưu văn hóa, thương mại, du lịch giữa hai nước. Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam cũng nhấn mạnh Chính phủ 3 nước Thái Lan - Việt Nam - Lào cần sớm giải quyết những khó khăn về thủ tục hải quan, cước phí vận tải nhằm thúc đẩy việc giao lưu thương mại, du lịch trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.