.

Áp dụng quản lý rủi ro còn nhiều vướng mắc

.

Từ tháng 3-2011, Tổng cục Hải quan đưa vào vận hành hệ thống thông tin quản lý rủi ro (QLRR) giai đoạn 2 trong toàn ngành đối với thủ tục hàng hóa xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK), với mục tiêu hàng đầu là phát triển, nâng tầm công tác quản lý rủi ro nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa và mở rộng thủ tục hải quan điện tử (HQĐT). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực tế cho thấy còn một số bất cập, vướng mắc, gây khó khăn cho Hải quan địa phương khi thực hiện.

 

Mô tả ảnh.
Kiểm tra hàng nhập khẩu ở Cảng Tiên Sa.

 

Theo Cục Hải quan, trong khi thực hiện thủ tục HQĐT, đơn vị gặp một số vướng mắc liên quan đến phân luồng, chuyển luồng. Nhiều lô hàng XNK từ trước đến nay vẫn được Hải quan xếp vào luồng xanh vận hành trơn tru (gồm những hàng hóa không thuộc danh mục hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, được miễn kiểm tra và thông quan ngay), nay bỗng dưng bị xếp vào luồng đỏ (hàng hóa thuộc cấp độ này trước khi thông quan phải qua kiểm tra cả hồ sơ và hàng hóa), khiến cả doanh nghiệp (DN) và Hải quan đều lúng túng. Ngoài ra, đối với hàng hóa NK tạo tài sản cố định của các dự án ưu đãi đầu tư được miễn thuế, hàng hóa có áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, hàng hóa có giấy phép, hàng hóa XNK tại chỗ… hiện nay hệ thống thường phân luồng xanh với các trường hợp này. Tuy nhiên, trong trường hợp phải chuyển luồng vàng bằng giấy (bắt buộc kiểm tra hồ sơ trước khi thông quan) để DN nộp hoặc xuất trình một số chứng từ, lại chưa phù hợp với quy định.

Bên cạnh đó, việc thiết lập tiêu chí phân tích QLRR về giá để phân luồng tờ khai còn bất cập về kỹ thuật, do việc xử lý ký tự tại phần khai báo tên hàng chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tế. Đối với trường hợp hàng hóa NK tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư được miễn thuế NK và hàng hóa XNK thường gặp vướng mắc trong khâu trừ lùi miễn giảm thuế do thủ tục HQĐT chưa có phần mềm thực hiện quản lý, kiểm tra, theo dõi trừ lùi đối với danh mục miễn thuế. Đồng thời, hàng NK tạo tài sản cố định khi phân luồng xanh hoặc luồng vàng (điện tử) sẽ không hợp lý vì không bảo đảm về hồ sơ.

Ngoài ra, các biện pháp xác định, xử lý rủi ro theo hướng chuyển công tác kiểm tra hải quan từ tiền kiểm sang hậu kiểm khắc phục tình trạng hiện nay là hầu hết rủi ro đều được xử lý tại khâu thông quan qua việc phân luồng kiểm tra chi tiết hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa, tạo sức ép lớn về mặt thời gian, phương tiện, lực lượng… Đặc biệt, đối với thủ tục tái xuất mặt hàng xăng, dầu, do hướng dẫn chồng chéo giữa 2 thông tư của Bộ Tài chính nên cũng xảy ra vướng mắc. Theo quy định của Thông tư 222/2009/TT-BTC ngày 25-11-2009: “Hàng hóa XK miễn kiểm tra thực tế không phải làm thủ tục chuyển cửa khẩu”. Nhưng thực tế, mặt hàng xăng, dầu tái xuất phải làm thủ tục để bàn giao chuyển cửa khẩu theo quy định tại Thông tư 165/2010/TT-TBC của Bộ Tài chính.

Trên thực tế, cả Hải quan lẫn DN XNK đều còn gặp nhiều vướng mắc trong tiến hành thủ tục hải quan như phần mềm xác định nhầm danh mục hàng hóa; số tờ khai bị chuyển luồng không đúng yêu cầu của đơn vị tăng lên… Song song đó, việc triển khai cơ chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong thời gian đến, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh tăng cường xây dựng năng lực phân tích, đánh giá rủi ro cho đội ngũ cán bộ, công chức Hải quan, hướng đến hình thành đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên sâu về nghiệp vụ thủ tục HQĐT, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hiện đại hóa hải quan trước mắt cũng như lâu dài.

Bài và ảnh: Nhật Anh

;
.
.
.
.
.