Vào thời điểm này, trên mỗi cánh đồng hoa, bà con nông dân lại tất bật chăm bón, tưới tiêu, mong sao vụ hoa Tết năm nay bội thu.
Nông dân phường Hòa Cường Nam đang chăm bón hoa Tết. |
Chúng tôi đến thăm các làng hoa tại các quận Cẩm Lệ, Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… và thấy những ngày này, mặc dù trời mưa liên miên nhưng không khí làm việc của bà con rất sôi nổi. Ai nấy đều tích cực nhổ cỏ, che chắn, nâng đỡ lá, cành cho hoa đỡ gãy và không bị dập nát. Ông Tường Thế Hợi ở phường Hòa Thọ Tây (Cẩm Lệ), người đã có kinh nghiệm trồng hoa trên 10 năm nay, cho biết: “Việc trồng hoa Tết phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Cần nhất là việc theo dõi chu kỳ cây hoa để chọn thời gian bấm đọt cho hoa ra nhánh phù hợp. Thường thì bà con nên chọn ngày trời nắng là đẹp nhất, ngày trời không mưa cũng có thể bấm được. Sau khi bấm đọt, cần phun thuốc và chăm sóc kỹ lưỡng để đoạn thân cây bị bấm không thối. Thời gian trồng hoa cúc đất khoảng 3 tháng thì cho thu hoạch, còn đối với hoa cúc chậu cần khoảng 4, 5 tháng”.
Trên các cánh đồng hoa, nguồn giống bà con đang trồng chủ yếu lấy từ Đà Lạt về. Hiện không chỉ giá mầm hoa tăng mà các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng, thời tiết lại không thuận lợi, khiến nhiều hộ nông dân gặp khó. Từ lúc xuống giống đến giờ, do trời mưa liên tiếp, bà con nông dân đã phải nhổ đi trồng lại không biết mấy lần. Chị Trần Thị Bảy, nông dân ở phường Hòa Cường Nam (Hải Châu) cho biết: “Mưa gió làm cho cây hoa sinh trưởng chậm hơn, rễ cây lại dễ bị thối nên đêm nào chúng tôi cũng phải tích cực chong đèn cho hoa. Người dân trồng hoa cứ “lấy ngắn nuôi dài”, chỉ mong thời tiết thuận lợi, cây hoa phát triển kịp thời vụ, chứ đến Tết nếu hoa không đẹp, trong khi công sức, chi phí từ điện thắp sáng, nước tưới và phân bón đều bỏ ra lớn, nông dân chúng tôi sẽ rất khó khăn”.
Nghề trồng hoa là nghề nhờ “trời”, vậy nên người trồng hoa cũng buộc phải chấp nhận đánh đổi. Được thì tốt, mất thì đành chịu. Chính vì thế, Hội Nông dân các quận cũng đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp trồng các giống hoa như lyly, hồng môn, phong lan, cát tường, tulíp, lay ơn… cho nông dân tiếp cận kịp thời, ngoài ra còn hỗ trợ cho bà con vay vốn để sản xuất. Dù có lúc khó khăn nhưng nhìn chung, hầu hết bà con nông dân Đà Nẵng đều có thể sống được từ nghề trồng hoa. Các hộ trồng hoa đều đã có “mối” bán hàng nên không lo khâu tiêu thụ. Thương nhân đã về đặt cọc mua hoa ngay khi vừa xuống vụ.
Bà con cho biết, hoa Tết chủ yếu là các loại hoa ly, cúc, vạn thọ, hướng dương, mai, quất... và đây là nguồn thu chính trong năm. Bình quân mỗi hộ trồng 1.000-1.500 chậu hoa. Nếu thời tiết tốt, bà con nông dân sẽ thu lãi khá. Như vụ hoa cúc, hoa ly Tết năm ngoái, nhiều hộ trừ chi phí lãi từ 70-170 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10-12 lao động/hộ. Điển hình là gia đình ông Tường Thế Hợi (Hòa Thọ Tây) lãi xấp xỉ 100 triệu đồng; hộ ông Trịnh Đăng, Võ Thị Hồng, Châu Diêm (Khuê Trung) lãi từ 35-50 triệu đồng; hộ ông Đỗ Văn Dưỡng (Mỹ An) thu hoạch 300 chậu cúc cho lãi 40 triệu đồng; hộ ông Bùi Đức Phú (Phước Mỹ) trồng hoa, cây cảnh hằng năm lãi từ 60-75 triệu đồng; hộ ông Ngô Văn Lãng, Phan Ngọc Thành (Hòa Thọ Đông) lãi trên 100 triệu đồng…
Có thể nói, nghề trồng hoa Tết tuy vẫn còn nhiều khó khăn do đất dành cho sản xuất ít, thời tiết lại khắc nghiệt, song với tinh thần chịu khó của bà con cùng sự hỗ trợ đắc lực từ các cấp Hội Nông dân, hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết bội thu.
Bài và ảnh: Đan Tâm