Tuy có tiềm năng, nhưng thực tế dịch vụ logistics ở Đà Nẵng phát triển còn hạn chế do cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác.
Cảng Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành cảng có quy mô lớn, hiện đại nhất miền Trung, trở thành một khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của khu vực. |
Đà Nẵng nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đầu mối giao lưu Bắc – Nam, cửa ngõ phía Đông của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC), nối thế giới với Việt Nam, Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Từ nhiều năm nay, thành phố đã tập trung phát triển kinh tế biển, trong đó đặc biệt chú trọng đến logistics (dịch vụ giao nhận, kho bãi, bốc xếp, vận tải, đóng gói hàng hóa, đại lý hàng, đại lý tàu, xuất nhập khẩu, khai báo hải quan...) tại Cảng Đà Nẵng. Đây là cảng tổng hợp, container, du lịch quốc tế trọng điểm ở khu vực miền Trung, đồng thời thực hiện tiếp chuyển hàng quá cảnh của một số vùng thuộc các nước Lào, Thái Lan hay Myanmar trên EWEC.
Hàng hóa của các khu vực EWEC, đặc biệt ở Đông Bắc Thái Lan, nếu xuất khẩu đến vùng Đông Bắc Á thông qua các cảng ở Bangkok (Thái Lan) phải vận chuyển qua đoạn đường dài hơn 1.000km, trong khi vận chuyển về Cảng Đà Nẵng chỉ mất gần 600km. Hiện Cảng Đà Nẵng có hai khu vực chính: Khu cảng biển Tiên Sa và khu cảng Sông Hàn với 1.493 mét cầu tàu, khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 45.000 DWT, tàu container đến 2.000 teus và tàu khách đến 75.000 GRT. Đà Nẵng đã hình thành nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics vận tải (đường bộ, đường sắt, hàng không), môi giới thuê tàu biển, giao nhận, kho bãi...
Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó Vụ trưởng – Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương): “Logistics Đà Nẵng không nằm ngoài mặt bằng chung của logistics Việt Nam, với giá thành dịch vụ còn quá cao so với thế giới. Giá cước cao nên lượng hàng hóa thông qua dịch vụ logistics còn khiêm tốn. Do vậy, dù có nhiều tiềm năng nhưng dịch vụ logistics ở Đà Nẵng mới chỉ được khai thác cầm chừng”. Thực tế, một lượng hàng hóa nông sản từ Tây Nguyên đi thẳng về cảng Quy Nhơn vì tính thuận tiện ở nhiều phương diện. Bên cạnh đó, một số cảng lân cận đang trong giai đoạn phát triển như Dung Quất, Vân Phong mang tầm quốc tế sẽ còn cạnh tranh hơn nữa với Đà Nẵng. Hiện Đà Nẵng có khoảng 40 doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực logistics, nhưng chưa liên kết với nhau, thậm chí còn cạnh tranh lẫn nhau, dẫn đến việc mạnh ai nấy làm. Với vai trò là một đầu mối giao thông quan trọng của vùng, Đà Nẵng tập trung phát triển hoạt động dịch vụ logistics không chỉ đáp ứng nhu cầu của thành phố mà còn cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Đề xuất tại hội thảo “Dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập” hồi tháng 9 vừa qua, Tiến sĩ Lê Văn Bảy, chuyên gia nghiên cứu về logistics cho rằng: Đà Nẵng cần có chiến lược phát triển mạng lưới logistics theo hướng lâu dài, bền vững, tăng cường liên kết, hạn chế tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ thường thấy, tiến tới việc thành lập Hiệp hội logistics. Tiến sĩ Lê Văn Bảy cũng chỉ ra rằng, không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương khác như Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Phú Yên cũng vậy, nếu các tỉnh liên kết với nhau sẽ tạo ra sức mạnh hơn là mỗi nơi một kiểu. Về phía thành phố, cần có chính sách, quy hoạch phát triển Cảng Đà Nẵng theo hướng trung tâm dịch vụ logistics. Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động vận tải, giao nhận mà còn bao gồm toàn bộ các hoạt động phức hợp của logistics như sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện vận tải, cung ứng xăng dầu, cứu hộ, ăn nghỉ...
Theo các chuyên gia, thành phố cần tiếp tục duy trì tốt việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo nguồn hàng ổn định cho dịch vụ logistics. Đồng thời, có biện pháp thu hút nguồn hàng từ Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Chu Lai (Quảng Nam)… Ngoài ra, Đà Nẵng cần hợp tác chặt chẽ với Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Savannakhet (Lào) để quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ cho mạng vận tải liên vận quốc tế. Đồng thời, khuyến khích một số quốc gia nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây hợp tác đầu tư lĩnh vực này.
Bài và ảnh: Duyên Anh