Qua khảo sát thị trường Đà Nẵng, lượng hàng hóa nội địa chiếm thị phần không nhỏ. Điều này đã góp phần khích lệ doanh nghiệp (DN) sản xuất quan tâm hơn đến chất lượng hàng hóa. Tuy vậy, để hàng Việt thực sự đứng vững trên thị trường, rất cần những giải pháp phù hợp.
Không thể “ăn xổi”
Một thực tế hiện nay cho thấy những DN làm ăn chân chính đều đang ra sức khẳng định mình bằng chất lượng sản phẩm. Nhiều thương hiệu hàng hóa địa phương thực sự đứng vững trên thị trường như sản phẩm may mặc của Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, giày dép của Công ty Giày BQ, nước mắm Phước Thái, săm lốp DRC… có mặt hầu hết trên hệ thống bán lẻ trong cả nước. Các DN lớn cũng đã có những phân khúc thị trường hợp lý như Công ty Việt Tiến, Công ty An Phước, May 10… tạo ra nhiều dòng sản phẩm trung bình và cao cấp, đáp ứng cho các đối tượng tiêu dùng. Và một thực tế, tư tưởng sính hàng ngoại của người tiêu dùng hiện nay cũng đã dần thay thế bằng sự yêu thích dùng hàng Việt Nam. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.
Song phải thừa nhận rằng, hiện trong sản xuất và phân phối, mua sắm và tiêu dùng đang bị không ít hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngang nhiên trộn lẫn vào, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các DN, nhà sản xuất, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại và Dịch vụ Hương Quế nhận định: Đa số DN vừa và nhỏ trong nước đang phải cạnh tranh với hàng ngoại. Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất thực sự quan tâm đến chất lượng thì không lo hàng Việt không có chỗ đứng. Để người tiêu dùng không quay lưng lại với chúng ta, ngoài sự nỗ lực xây dựng uy tín sản phẩm, uy tín DN và phát triển, mở rộng hàng hóa ra các thị trường trong và ngoài nước, rất cần Nhà nước có những chính sách bảo vệ cho những DN làm ăn chân chính, có trách nhiệm đầy đủ với Nhà nước, người tiêu dùng, người lao động.
Theo phân tích của các chuyên gia về hàng Việt thì một trong những giải pháp để phát triển bền vững hàng tiêu dùng nội địa hiện nay là các nhà cung cấp - doanh nghiệp Việt cần phải có chiến lược xây dựng thương hiệu bền vững, trong đó phải hội đủ các yếu tố về chất lượng sản phẩm đúng cam kết và công bố; thiết kế mẫu mã đẹp và an toàn cho người tiêu dùng; giá cả cạnh tranh; có chiến lược marketing-xây dựng thương hiệu và chiến lược bán hàng phân phối có tính chuyên nghiệp, bền vững và đáp ứng tốc độ phát triển, cạnh tranh của thị trường ngành hàng.
Ông Lê Văn Lộc, Giám đốc Công ty FTM Đà Nẵng cho rằng, sản phẩm có thương hiệu phải là sản phẩm chất lượng, đẹp, giá cả cạnh tranh, hệ thống bán hàng chuyên nghiệp. Và để giữ vững thương hiệu nên đặt trên một nền tảng chất lượng vững chắc: Đúng như cam kết và công bố. Và ông ví von rằng: “Xây dựng thương hiệu cũng như xây một chiếc cầu. Cầu càng lớn đòi hỏi mức đầu tư và quy trình thi công chuyên nghiệp càng cao. Chỉ có cầu ván đóng đinh thì ít tốn kém không đòi hỏi nhiều”.
Tìm ra các giải pháp phù hợp trong việc phát triển hàng tiêu dùng còn nhiều vấn đề tùy thuộc vào từng DN. Một trong các giải pháp phát triển hàng tiêu dùng mà các DN đưa ra là kêu gọi các DN sử dụng hàng hóa của nhau để vừa tạo tính gắn kết giữa các DN địa phương, vừa giúp DN giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Nhiều DN trên địa bàn thành phố cũng đã ký kết dùng sản phẩm của nhau như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cung cấp sản phẩm áo quần, Công ty Bình Vinh đưa sản phẩm nước uống, Công ty in Mỹ thuật Đà Nẵng lo các khâu in ấn, quảng cáo, Công ty Seatech cung cấp các loại máy thiết bị phụ tùng… đạt hiệu quả.
Bài và ảnh: Duyên Anh-Thanh Tình