.

Người lính trên mặt trận mới

.
“Tôi học được rất nhiều điều ở quân ngũ để áp dụng trên “mặt trận” kinh tế, nhất là quan điểm lập trường phải rõ ràng, thẳng thắn trong điều hành doanh nghiệp (DN)… Tất cả những điều ấy đã giúp tôi trưởng thành khi dấn thân vào làm kinh tế“. Ông Nguyễn Nho Chắn, Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến, đóng trên địa bàn phường Hòa Minh (Liên Chiểu) đã mở đầu câu chuyện như vậy với chúng tôi.

Mô tả ảnh.
Công tác bảo đảm an toàn lao động, giữ gìn vệ sinh môi trường luôn được công ty đặt lên hàng đầu.
 
Cũng như bao thanh niên xứ Thanh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1973, vừa đủ tuổi nghĩa vụ quân sự, chàng trai Nguyễn Nho Chắn đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Đến năm 1975, ông được “đầu quân” cho Sư đoàn 375 tham gia chiến dịch giải phóng TP. Đà Nẵng. Sau hơn 38 năm phục vụ trong quân đội, đến năm 2011 ông về hưu với quân hàm Thiếu tá. Với tinh thần vượt mọi khó khăn gian khó, dám nghĩ, dám làm và ý chí tự lực, tự cường của người lính, nên sau khi về hưu, ông Nguyễn Nho Chắn đã “lao” vào làm kinh tế với mong muốn làm giàu cho gia đình và xã hội.
 
Ông Chắn tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó khăn, nghèo khó nên khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi luôn đau đáu trong lòng làm thế nào để thoát nghèo? Năm 2005, Công ty TNHH Nho Chiến ra đời, do vợ ông làm giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản để phục vụ vật liệu cho các đơn vị quân đội, các dự án của thành phố. Kinh nghiệm thương trường hạn chế nên những ngày bước chân vào làm kinh tế, công ty cũng gặp đôi chút trở ngại. Nhưng với bản lĩnh của người lính, được sự ủng hộ, động viên của đơn vị, lãnh đạo chính quyền các cấp nên mọi khó khăn dần được tháo gỡ”.

Có một điều khá đặc biệt, ngay cả khi làm kinh tế thì “chất lính” ở ông vẫn thể hiện rõ nét. Với ông, làm kinh tế không đơn thuần chỉ để kiếm tiền mà quan trọng hơn cả là để giúp đồng đội và con em của họ, những người khuyết tật có thể tự nuôi sống bản thân. Anh Nguyễn Trọng Dương, bộ đội xuất ngũ đang làm công nhân cho công ty ông kể lại: “Năm 2010, nếu không có sự giúp đỡ của chú Chắn, có lẽ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của tôi. Lúc đó hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, công ty đã hỗ trợ cả trăm triệu đồng tiền viện phí, thuốc men... Sau vụ tai nạn đó, thấy sức khỏe của tôi bị giảm sút, công ty đã chuyển tôi sang làm thủ kho, với mức thu nhập bình quân gần 7 triệu đồng/tháng. Hiện cuộc sống của gia đình tôi tương đối ổn định”. Không chỉ có anh Dương mà gần 60 công nhân khác đều được chăm lo như thế. Đơn cử như hai vợ chồng chị Thủy (quê Nghệ An) vào Đà Nẵng với hai bàn tay trắng, nhưng chỉ sau vài năm làm việc ở công ty, hai anh chị đã mua được một căn nhà nhỏ và có công việc ổn định.  

Từ một DN với số lượng công nhân ít ỏi, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho khai thác khoáng sản lạc hậu, đến nay trang thiết bị và máy móc đã được đầu tư hiện đại, doanh thu hằng năm của công ty đạt hàng chục tỷ đồng, nộp ngân sách mỗi năm gần 3 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho gần 60 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Nói về “chìa khóa” giúp DN đứng vững và phát triển như ngày hôm nay, ông Chắn chia sẻ: Đối với mỗi DN, người lao động luôn là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững. Là DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao cũng như tiềm ẩn yếu tố rủi ro, nguy hiểm lớn. Do đó trước khi tuyển dụng, lao động phổ thông được công ty đào tạo, làm quen với máy móc, phương tiện kỹ thuật. Bảo đảm an toàn lao động cũng như phòng chống cháy nổ được đơn vị đặc biệt chú trọng và điều quan trọng là phải quan tâm đến đời sống của những công nhân.

Ngoài việc chăm lo đời sống cho người lao động, hằng năm công ty còn tham gia các hoạt động xã hội do địa phương, hội đoàn thể phát động với số tiền hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.

Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.