.

Người tiêu dùng đã tin

.

Trong khi các mặt hàng như đồ nhựa, thực phẩm, gia vị đáp ứng hầu hết nhu cầu và thu phục được lòng tin người tiêu dùng Việt Nam, thì ở nhiều sản phẩm thời trang, người ta còn mong chờ nhiều vào mẫu mã của hàng hóa.

Mô tả ảnh.
Ở chợ Cồn, nhiều sản phẩm Việt đã thu hút được người tiêu dùng Việt Nam.

 

Điều chỉnh theo thị trường

Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều chợ, siêu thị ở Đà Nẵng, hiện nay lượng hàng Việt đã chiếm tỷ lệ ngang ngửa so với hàng ngoại nhập, và ở nhiều mặt hàng như đồ nhựa, thực phẩm, áo quần trẻ sơ sinh… thì hàng Việt lại gần như áp đảo hoàn toàn và thu hút được lòng tin của người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (đường Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà) đi mua hàng ở Siêu thị BigC cho hay: “Gần đây tôi bắt đầu chú ý đến hàng Việt vì nhìn chung, chất lượng đã dần được cải thiện. Nhất là hàng ăn uống, nhà tôi chỉ tin dùng những sản phẩm Việt Nam có uy tín và đã được thị trường tiêu dùng rộng rãi”. Nương theo nhu cầu thị trường, ở chợ Cồn, đầu mối bán sỉ hàng hóa cho hầu hết các chợ ở Đà Nẵng, tiểu thương chuyển dần sang bán hàng Việt. Trước đây, chị Huỳnh Thị Huyền Trang, lô 30, đình 15B chợ Cồn bán đồ đi mưa của Việt Nam và cả hàng Singapore, Nhật, Trung Quốc.

Nhưng khi hàng Việt ngày càng có nhiều thương hiệu lớn với mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng và bền chắc, thì chị chuyển hẳn sang bán 100% hàng trong nước. “Hàng mình chỉ có giá từ 30-45 nghìn đồng/cái, trong khi hàng ngoại đắt gấp mấy lần, không ai mua nổi nên tụi tôi cũng không nhập về nữa”. Nhà chị cũng thực hiện gia công áo mưa từ loại nhựa dẻo để bán với giá thành hợp lý nhất mà người lao động có thể chấp nhận được. Còn ở hàng gia vị, thực phẩm số 250, đình 6 của chợ này, chị Trần Thị Liễu cho hay, chỉ một số loại mà Việt Nam không có như nấm đông cô, nấm tuyết, rong biển thì chị mới bán đồ ngoại, còn lại toàn hàng trong nước. “Ban đầu, muốn thuyết phục người mua dùng hàng Việt, tôi phải đưa họ dùng thử, họ thấy được, mình mới mạnh dạn bán ra. Bây giờ thì bán hàng Việt rất tốt vì có uy tín rồi. Người tiêu dùng lại đâm ra sợ hàng ngoại vì e ngại hóa chất độc hại”, chị Liễu đánh giá.

Tương tự, hàng Việt đang chiếm ưu thế ở các siêu thị. Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng, hiện nay tỷ lệ hàng Việt chiếm đến 90% trong tổng số chủng loại hàng kinh doanh tại đây. Hầu hết các mặt hàng Việt kinh doanh lại có sức cạnh tranh tốt và thay thế được hàng nhập khẩu với doanh số chiếm tới trên 95% doanh số bán hàng.

Khuyến khích bán-mua hàng Việt

 

Nhằm góp phần quảng bá các sản phẩm thương hiệu Việt, khuyến khích người tiêu dùng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương sẽ tổ chức “Hội chợ hàng Việt-Đà Nẵng 2011” từ 16 đến 20-12. Dự kiến hội chợ thu hút khoảng 250 gian hàng với các ngành hàng như may mặc, da giày, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…, trong đó 200 gian là của các doanh nghiệp đóng tại Đà Nẵng.

Theo quan sát của ông Lê Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, niềm tin về hàng Việt của người Việt đã được xác lập, nhưng nhà sản xuất phải làm tốt khâu mẫu mã, nhất là mặt hàng thời trang, thì mới ngày càng thu phục người tiêu dùng Việt Nam. Đối với các chợ cũng tìm cách khuyến khích người mua-người bán tiêu thụ hàng Việt. Từ hai năm nay, mỗi chợ đều xây dựng quầy miễn phí cho những tiểu thương bán hàng Việt thay phiên nhau bán hàng trong thời gian từ 1-2 tháng.

 

Theo ông Hoàng Anh, bằng cách xây dựng chính sách giá ổn định, kết hợp với việc tổ chức các chuyến bán hàng bình ổn giá về các vùng xa trung tâm thành phố, các khu công nghiệp, nên tỷ trọng doanh số hàng Việt năm 2011 tăng trên 5% so với năm 2010. Lấy việc đưa tiêu chí sản phẩm đạt tiêu chuẩn Hàng Việt Nam chất lượng cao vào chính sách chất lượng của mình, Co.op Mart ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày cho các doanh nghiệp hàng Việt, ưu tiên thực hiện các chương trình khuyến mãi dành cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

“Tuy nhiên, để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh mạnh hơn nữa, chiếm vị trí tuyệt đối trong lòng người tiêu dùng, tôi nghĩ các nhà sản xuất nên tiếp tục quan tâm nhu cầu của người tiêu dùng để thỏa mãn tốt hơn về chủng loại, chất lượng và chính sách chăm sóc khách hàng”, ông Hoàng Anh đề nghị. Ông Thạnh cũng cho rằng, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ hàng ngoại về chất lượng, ATVSTP để càng ngày càng loại bỏ hàng ngoại kém chất lượng, tạo “chỗ trống” cho hàng Việt phát huy ưu thế.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.