.

Nông dân vùng giải tỏa

.

Những năm qua, do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của Đà Nẵng bị thu hẹp dần. Bà con nông dân nhiều vùng giải tỏa vẫn chọn nghề làm nông ở chốn thị thành bằng cách tận dụng những phần đất trống của các dự án chưa triển khai để trồng trọt và đạt được hiệu quả tích cực.

 

Mô tả ảnh.
Nông dân phường Mỹ An đang thu hoạch rau húng mùi.

 

Tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), 100% đất nông nghiệp đã bị thu hồi, rất nhiều hộ nông dân được các cấp Hội Nông dân hướng dẫn chuyển sang buôn bán, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp… Số còn lại hầu hết ở độ tuổi từ 40 trở lên khó khăn trong chuyển nghề đã tranh thủ tận dụng những phần đất Nhà nước thu hồi nhưng chưa sử dụng để sản xuất.

Đến nay, gần 100 hộ nông dân khối phố Phước Trường, phường Phước Mỹ đã có việc làm và thu nhập khá ổn định bằng việc trồng rau và hoa trên những vùng đất này. Ông Phạm Văn Ký ở phường Phước Mỹ cho biết: “Ở độ tuổi như chúng tôi giờ muốn chuyển đổi ngành nghề cũng khó, trong khi đó, vốn sẵn kinh nghiệm làm nông, bà con vận động nhau trồng rau màu và các loại hoa trên những mảnh đất này để tăng thêm thu nhập. Hồi đầu khi mới san ủi, đất đá còn lởm chởm, bà con đã chịu khó cuốc xới, đến nay đất đã thuần thục và trồng rau hiệu quả cao. Công việc này khiến chúng tôi vừa thấy thoải mái vừa khỏe khoắn hơn lúc tuổi già”.

Đi tham quan các vùng rau và hoa Phước Trường, thấy những luống rau được chăm bón rất kỹ càng và bảo đảm vệ sinh. Những việc làm này không chỉ giải quyết công việc tạm thời, tăng thêm thu nhập mà vấn đề môi sinh môi trường cũng được bảo đảm. Hầu hết rau và hoa của nông dân Phước Trường được tiêu thụ tại chợ Mân Thái, nhiều nông dân thu gom rau từ chợ này qua các chợ lớn hơn để bán cũng kiếm được khoản tiền khá. Hiện trung bình mỗi hộ nông dân Phước Trường có từ 1.000-3.000m2 đất để sản xuất quanh năm, mỗi ngày mỗi hộ cũng thu về hơn 200 ngàn đồng.

Cũng nằm trong vùng quy hoạch dân cư, chỉnh trang đô thị của thành phố, trên địa bàn phường Mỹ An có hơn 80 hộ đang sản xuất trên diện tích khoảng 99.000m2 đất chưa sử dụng. Mặc dù hơn 1 tháng nay do trời mưa bão, rau bị hư hại ít nhiều song vì mùa này thường khan hiếm rau xanh nên rau do nông dân phường Mỹ An bán rất được giá. Chị Trần Thị Ngọc (tổ 43 phường Mỹ An) làm rau ở các vùng đất giải tỏa được khoảng 4-5 năm, nói: “Tùy theo từng loại rau và buổi chợ, như loại rau húng mùi này, hiện 1kg bán được 50-60 ngàn đồng. Nghề trồng rau ngày nào cũng cho thu hoạch nên cuộc sống gia đình cải thiện hơn”. Hiện nông dân  phường Mỹ An chủ yếu trồng các loại rau như húng mùi, tần ô, hành, ngò, cải, xà lách… và bán ở các chợ Bắc Mỹ An, chợ Đầu mối, chợ Mới…, trừ chi phí cho thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng/hộ.

Đi về phường Phước Mỹ hay Mỹ An, ngắm nhìn rau và hoa lên xanh mướt thật đẹp mắt, ít ai biết rằng trước đây là những mảnh đất đầy cỏ hoang và rác thải. Bà con cho hay, hồi nào dự án lấy lại phần đất để xây dựng, bà con nông dân lại đi tìm khoảnh đất khác. Hết đất gần nhà, họ sẽ lên tận Hòa Nhơn, Hòa Phú… thuê đất canh tác. Nghề nông là máu thịt, cho dù vất vả nhưng họ vẫn vui khi nhìn thấy thành quả lao động mỗi ngày.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.