.
Phát triển kinh tế miền Trung - Tây Nguyên nhanh và bền vững:

Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ

.

Kinh tế các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung vẫn phát triển thiếu vững chắc, bởi chỉ dựa trên mô hình phát triển sao chép lẫn nhau, dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh làm lãng phí nguồn lực... Do đó, để phát triển nhanh và bền vững kinh tế khu vực, cần có những cơ chế, chính sách mới.

Mô tả ảnh.
Hội thảo khoa học phát triển nhanh và bền vững KT-XH khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc các trường học, viện nghiên cứu, cán bộ quản lý trong khu vực tham gia.

 

Từ thực tiễn

Khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và xã hội, đó chính là nền tảng, là cơ sở để các tỉnh trong khu vực phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở khai thác và kết hợp giữa kinh tế biển với kinh tế đất liền. Tuy nhiên, có một nghịch lý tồn tại dai dẳng là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, giàu nguồn nhân lực, song duyên hải miền Trung và Tây Nguyên vẫn là khu vực kém phát triển của nước ta. Thu nhập bình quân đầu người của toàn khu vực vẫn thấp hơn mức trung bình chung của cả nước và các khu vực phát triển khác.

Cơ cấu kinh tế khu vực tuy có bước chuyển biến tích cực theo hướng CNH-HĐH, song tốc độ chuyển dịch vẫn còn chậm và thiếu bền vững. GS-TS. Trương Bá Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế thành phố Đà Nẵng nói: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là việc nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề phát triển nhanh và bền vững KT-XH đã chưa thật sự đầy đủ và sâu sắc trên cả hai cấp độ vĩ mô và vi mô”.

Theo PGS-TS. Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên tiềm năng kinh tế biển rất lớn để có thể phát triển kinh tế ở quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, những tiềm năng này chưa được khơi dậy, chưa được huy động vào phát triển kinh tế, ngược lại, đã phải gánh chịu những hệ lụy của vấn đề khai thác kém hiệu quả, thậm chí lãng phí, nhiều dự án ven biển chỉ là dự án “treo”, gây nên hậu quả xấu cả về kinh tế lẫn xã hội và môi trường. 

Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung vẫn phát triển dưới tiềm năng và thiếu vững chắc, bởi chỉ dựa trên mô hình phát triển sao chép lẫn nhau, dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau làm lãng phí nguồn lực, đặc biệt là việc khai thác các nguồn tài nguyên chưa thật sự hiệu quả, thiếu tính hoạch định lâu dài. Muốn cải thiện tình hình, phải sớm tiến hành điều tra và xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về tiềm năng biển đảo tại các tỉnh miền Trung làm cơ sở cho nghiên cứu và hoạch định chính sách khai thác sử dụng, đồng thời bảo đảm nguồn lực để cập nhật thường xuyên trên cơ sở đóng góp của các tỉnh trong vùng, lựa chọn và tập trung nguồn lực để khai thác sử dụng hiệu qủa tiềm năng biển đảo, thực hiện liên kết phát triển toàn diện giữa các địa phương trong vùng từ lập quy hoạch tới việc ban hành các chính sách phát triển trên nguyên tắc phân công lao động và cùng có lợi, hoàn thiện thể chế chính sách và huy động nguồn nhân lực vào vùng nhằm thúc đẩy khai thác tận dụng các lợi thế của vùng để phát triển kinh tế.

Đến định hướng chính sách

Tại hội thảo mới đây về “Phát triển nhanh và bền vững kinh tế khu vực” do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tổ chức, nhiều kiến nghị, đề xuất các giải pháp để phát triển nhanh và bền vững khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Về kinh tế, giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi sản xuất. Trong đó, đẩy mạnh khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế biển đảo gắn với giải quyết các vấn đề về an ninh - quốc phòng, môi trường. Thúc đẩy liên kết ngành, liên kết doanh nghiệp để phát triển trong các ngành kinh tế thủy sản, du lịch... Đồng thời giải quyết đồng bộ các vấn đề về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chính sách tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển dịch vụ công của khu vực tư nhân với lợi ích cộng đồng. Xác định rõ giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch... trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên...

Về mặt xã hội thì giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân trong quá trình đô thị hóa, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề hài hòa lợi ích. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và công bằng xã hội thông qua các công cụ chính sách khuyến khích phát triển giáo dục, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra cơ hội tiếp cận với việc làm, cải thiện mức sống cho người dân...

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.