Đầu tư phát triển nông thôn mới và đô thị hóa đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nên huyện Hòa Vang đang tìm sự hài hòa trong quy hoạch về đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.
Với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) thì tiêu chí đầu tiên là quy hoạch và thực hiện quy hoạch bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Đình Hồng cho biết, hiện nay huyện cơ bản đạt được 6 tiêu chí, các tiêu chí còn lại rất khó hoàn thành, nhất là về quy hoạch, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường…”. Quá trình xây dựng NTM ở Hòa Vang diễn ra bên cạnh tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của thành phố. Khả năng lẫn lộn giữa xây dựng NTM và đô thị rất dễ xảy ra. Đặc biệt, tiêu chí đầu tiên để xây dựng NTM là phải thực hiện quy hoạch thì huyện lại đang gặp nhiều vướng mắc cũng do quá trình phát triển đô thị tạo nên”, ông Trần Đình Hồng nói thêm.
Quy hoạch đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới cần hài hòa để nâng cao đời sống và sinh hoạt của người dân. |
Bên cạnh đó, nông thôn Hòa Vang cũng đang tồn tại những vấn đề cần giải quyết trong quá trình xây dựng NTM, đó là việc tổ chức sản xuất để nâng cao đời sống, thu nhập của người nông dân; trong đó có cả việc tạo cơ chế thu hút đầu tư về nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ. Đó là vấn đề về quản lý quy hoạch, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường… Việc quản lý quy hoạch hết sức khó khăn và phức tạp. Thách thức về bảo vệ tài nguyên-môi trường là rất lớn, không chỉ từ những dự án trên địa bàn huyện mà từ các vùng lân cận. Hoạt động của các khu công nghiệp đã, đang và sẽ là những thách thức không nhỏ đối với môi trường sống cần được bảo vệ ở nông thôn, nhất là với những vùng cần đạt tiêu chí về NTM.
Ông Huỳnh Việt Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, những năm 2009-2010, Sở Xây dựng thực hiện quy hoạch tổng thể nông thôn gắn với quy hoạch chung thành phố; quy hoạch chi tiết các điểm dân cư; quy hoạch giao thông và hạ tầng kỹ thuật y tế, giáo dục, văn hóa; xác định trung tâm vùng nông thôn, các khu vực bảo tồn, khu du lịch; quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau sạch. Năm 2011, Sở Xây dựng cũng thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2025; quy hoạch điểm dân cư nông thôn, hạ tầng kỹ thuật các ngành; quy hoạch vùng sản xuất lúa...; quy hoạch khu dân cư tập trung vùng bị ảnh hưởng thiên tai.
Trên cơ sở quy hoạch và triển khai quy hoạch giai đoạn trước, huyện Hòa Vang đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2010, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 630,8 tỷ đồng, bằng 1,6 lần so với năm 2009. Sự phát triển các ngành đi đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu với tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 396 tỷ đồng, tăng 15,7%; tổng giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ đạt 221 tỷ đồng, tăng 16,6%; từ đó xác định tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của huyện là nông nghiệp 37%, công nghiệp 35,2%, dịch vụ 27,8%. Điều đó cho thấy đang có xu hướng hình thành một “dạng” NTM theo hướng công nghiệp-dịch vụ một cách mạnh mẽ ở Hòa Vang. Năm 2010 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quy hoạch và phát triển của Hòa Vang, khi trên địa bàn huyện có đến 13 dự án với quy mô lớn được triển khai, chiếm 1.390ha, chưa kể 7 dự án đã phê duyệt ranh giới quy hoạch có quy mô 1.570ha. Từ đó, đã đưa số dự án đang triển khai trên địa bàn lên 54 dự án, với tổng diện tích đất thu hồi hơn 5 nghìn ha, trong đó có 5.114 hộ thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp và 3.404 hộ đất ở.
Huyện Hòa Vang đã đặt ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp đô thị nhưng cho đến nay, chuyển biến vẫn chưa rõ nét; giống cây trồng, con vật nuôi chưa được đầu tư một cách khoa học và hiện đại; năng suất lao động vẫn còn thấp; thiếu những cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo quy định ở vùng khó khăn… Ông Nguyễn Phú Ban, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố nói thêm: “Việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Hòa Vang vẫn phụ thuộc nhiều vào thành phố, chứ chưa có chuyển biến mạnh trên địa bàn. Đặc biệt, lớp trẻ vẫn còn đứng ngoài công cuộc xây dựng NTM, trong khi đây là đối tượng sẽ thừa hưởng từ chương trình này”. Cũng về vấn đề quy hoạch, ông Nguyễn Phú Ban nhận định: “Điều khó nhất đối với Hòa Vang là quy hoạch. Làm sao để nông thôn phải ra nông thôn, tránh tình trạng “nham nhở” bởi sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa”.
Đầu năm 2011, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hồ Xuân Hùng trong lần về Hòa Vang đã gợi ý huyện Hòa Vang cần xác định mục tiêu là xây dựng địa phương thành “nông thôn trong lòng thành phố” và gắn quy hoạch của huyện với quy hoạch tổng thể của thành phố.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG