.

Thầm lặng giúp bệnh nhân nghèo

.
...“Hôm đó khoảng 9 giờ, bác sĩ trực gọi tôi lên thông báo: “Con chị cần phải mổ gấp, chị đóng viện phí đi”. Như một cái máy, tôi chạy ù xuống phòng đóng viện phí, nhưng lục hết giỏ xách chỉ có vỏn vẹn 500 ngàn đồng, trong khi số tiền phải nộp hơn 5 triệu đồng.
 
Mô tả ảnh.
Suốt từ thứ hai đến thứ bảy, tại Bệnh viện Đà Nẵng luôn có những nhà hảo tâm nấu cháo phát cho bệnh nhân, mà kinh phí được huy động phần lớn từ những nhà doanh nghiệp.
Như người mất hồn, tôi đi về cuối hành lang rồi ngồi bệt xuống nền nhà và khóc, vì đó là số tiền quá lớn đối với tôi. Thế nhưng một điều kỳ diệu đã đến với tôi khi một bác sĩ đến hỏi chuyện và sau đó chỉ nói ngắn gọn: “Chị chờ nhé”. Khoảng 15 phút sau, cô bác sĩ đó quay lại, cũng nói ngắn gọn: “Có tiền rồi, chị chờ, đừng đi đâu”. Đúng 1 tiếng đồng hồ sau, một người phụ nữ độ 40 tuổi đến chỗ tôi ngồi hỏi tên và tình trạng bệnh của con tôi rồi đưa cho tôi một phong bì và nói: “Chị cầm lo viện phí cho cháu, tôi có việc phải đi rồi”. Cầm tiền chưa kịp cảm ơn, hỏi tên của người phụ nữ đó thì chị đã lên xe đi mất. Đến bây giờ, tôi cũng không biết được tên của chị, kể cả tên của bác sĩ đó”, chị Lê Thị Hạnh, ở thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam nhớ lại điều khó tin của mình.

Đem câu chuyện này kể với bác sĩ Trần Thị Diệu Ngọc, nguyên Trưởng phòng Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đà Nẵng, chị cười và nói những câu chuyện như thế ở Bệnh viện Đà Nẵng nhiều lắm, không kể hết đâu. Chị khẳng định, người tốt bây giờ không thiếu, nhất là các chủ doanh nghiệp có điều kiện kinh tế, chỉ có điều rất nhiều người trong số họ làm từ thiện một cách thầm lặng chứ không muốn nhiều người biết tên. Bản thân chị cũng là một “đầu mối” kêu gọi các “mạnh thường quân” là các chủ doanh nghiệp giúp đỡ những bệnh nhân nghèo gặp khó khăn. Hơn 10 năm qua, chị đã tổ chức được cả trăm chuyến đi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn người dân nghèo ở Đà Nẵng và Quảng Nam, với số tiền lên đến cả tỷ đồng. Chị “bật mí”: Ngoài đóng góp của người thân trong và ngoài nước, còn rất nhiều doanh nghiệp chỉ cần “alô” là mang tiền đến hỗ trợ cho đoàn khám bệnh với một điều kiện đơn giản là không nêu tên tuổi.

Về những “mạnh thường quân” giấu tên này, bác sĩ Võ Thị Thu (Bệnh viện Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi có nhóm bạn quen là các chủ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, cứ mỗi lần có trường hợp bệnh nhân quá nghèo cần giúp đỡ, chỉ cần gọi điện thoại là họ đồng ý ngay. Cách đây khoảng nửa năm, có một bệnh nhân suy thận phải dừng chạy thận nhân tạo vì hết tiền, tôi đã điện thoại, mặc dù cô N., chủ một doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đang bận công tác tại Hà Nội, nhưng cũng nhanh chóng đồng ý và cho nhân viên cầm tiền đến bệnh viện trao tận tay cho bệnh nhân. Tưởng chỉ có vậy, không ngờ sau khi về Đà Nẵng, chị N. còn rủ thêm một đối tác của mình là doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mang tiền đến giúp cho bệnh nhân này và một số bệnh nhân nghèo khác. Suốt 6 tháng qua, đều đặn mỗi khi bệnh nhân này đến bệnh viện chạy thận, “cặp đôi” này đều đến thăm và cho tiền để lo chi phí bệnh viện”.

Không phải chỉ có những chủ doanh nghiệp lớn có điều kiện kinh tế khá giả mới tìm đến với những bệnh nhân, mà thời gian gần đây còn có rất nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân với quy mô hoạt động khá nhỏ, nhưng với tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, họ cũng đã đến bệnh viện để hỗ trợ những bệnh nhân nghèo khó. Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh khá đông chủ doanh nghiệp tư nhân cùng vào bệnh viện rồi tỏa đi khắp các khoa hỏi thăm những trường hợp bệnh nặng, gia đình khó khăn để giúp đỡ tiền. Rất chân thành, nhưng tất cả đều không bao giờ cho chúng tôi biết tên, chụp hình, bởi theo họ, điều cần thiết là sự chia sẻ thực lòng với những trường hợp khó khăn, chứ không phải làm từ thiện để... quảng cáo cho mình.

Bài và ảnh: Thanh Vân
;
.
.
.
.
.