.

Tỏi Lý Sơn

.
Nghe nhiều người đi huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) về kể một trong những đặc sản của nơi “đầu sóng ngọn gió” này là tỏi, nhưng mãi đến cuối tháng 9 vừa qua, tôi mới được về với huyện đảo này cùng Đoàn khối Doanh nghiệp Đà Nẵng trong chương trình “Hành trình về với biển đảo quê hương” và đã biết thêm nhiều điều về cây tỏi.

Mô tả ảnh.
Chuẩn bị giống trước khi trồng.
 
Cay nồng tỏi Lý Sơn

Chúng tôi về Lý Sơn đúng vào dịp bà con đang làm đất chuẩn bị cho vụ tỏi mới. Tỏi thường được trồng vào tháng 9 âm lịch và đến hết tháng giêng năm sau là thu hoạch. Đến với bà con, chúng tôi được biết để một vụ tỏi đạt hiệu quả cao, đầu tiên phải chọn giống thật kỹ lưỡng. Chọn củ tỏi chắc, già, sau đó tách tỏi ra từng tép nhỏ đem trồng. Trồng các tép tỏi cách nhau chừng 5cm để cây phát triển tốt. Quy trình làm đất cũng cần sự đầu tư phù hợp. Đất thịt sau khi đã làm sạch, bà con phải rải lên trên một lớp phân và mua đất mới về rải lên thêm một lớp nữa. Thường đất trên bề mặt phải là đất cát để tạo độ tơi xốp và giữ được độ ẩm cho củ tỏi phát triển. Sau khi trồng, bà con phải chăm sóc, tưới tiêu cẩn thận để vụ tỏi đạt kết quả.

Đi qua những sườn đồi, chúng tôi thấy bạt ngàn là những cánh đồng tỏi nối tiếp nhau, cứ y như những ruộng bậc thang mà chúng ta vẫn thường biết đến ở trung du miền núi các tỉnh phía Bắc vậy. Vì đang vào đầu vụ tỏi nên khắp trên các cánh đồng là một màu trắng của những ụ cát bà con mua về để trồng tỏi. Liên tiếp trên những cánh đồng này là rất nhiều vòi phun nước được đặt âm trong lòng đất phục vụ tưới tiêu. Đến độ thu hoạch, bà con thường chọn những cây già nhổ trước, cắt lá, rể đem phơi đủ 10 nắng (1 nắng từ 11-12 tiếng đồng hồ). Một sào tỏi nếu đạt cho thu hoạch tầm 500kg và thu nhập từ 4-5 triệu đồng.

Ông Lâm Chí Tiến, thôn Đồng Hộ, xã An Hải, cho biết: Ngoài loại tỏi thông thường mà chúng ta vẫn biết thì còn có một loại tỏi hiếm mà người dân Lý Sơn vẫn quen gọi là tỏi mồ côi. Loại tỏi này chỉ có duy nhất một tép trong cả củ, vì thế, tép này khá lớn, khi ăn có vị cay nồng, rất thơm và có thể dùng để chữa bệnh. Tỏi mồ côi có thể được hình thành do trong quá trình trồng, thời tiết hoặc đất xấu khiến các tép tỏi không phát triển ra thành nhiều nhánh mà chỉ có một tép được hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển nhanh.

Từ bao đời nay, bà con nông dân trên vùng đất cằn cỗi này vẫn quen với việc trồng tỏi theo phương pháp truyền thống, qua bao năm chắt lọc kinh nghiệm, đoàn kết, bảo ban nhau cùng gắng sức xây dựng và giữ vững thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Mô tả ảnh.
Những ụ cát trắng được chuẩn bị sẵn để phủ lên bề mặt tỏi.
 
Trăn trở…

Là vùng đất đã gặt hái nhiều vụ mùa bội thu từ cây tỏi, giờ đây cây tỏi Lý Sơn không chỉ được người dân Quảng Ngãi biết đến mà khắp các vùng, miền trong và ngoài nước, thương hiệu Tỏi Lý Sơn đã được lan truyền. Song, một thực tế nhận thấy là do đây là loại cây không phổ biến, chính vì vậy thiếu những kỹ thuật có tay nghề và những am hiểu sâu để có thể giúp đỡ bà con. Họ chỉ biết hết vụ tỏi lại chuyển sang vụ hành, hễ thấy cây nào bị bệnh là lại mua thuốc về xịt. Nhiều lúc do không biết cây tỏi bị mắc bệnh gì nên mua nhầm thuốc, kết quả là “tiền mất tật mang”. Nhiều hộ nông dân mất trắng mấy sào tỏi do xịt nhầm thuốc trừ cỏ...

Không những thế, một trong những điều khiến bà con nông dân Lý Sơn lo lắng nữa là thiếu cát phục vụ sản xuất. Để trồng tỏi đạt hiệu quả, cứ sau mỗi một vụ, bà con phải tìm mua đất cát trắng phủ lên bề mặt luống tỏi. Trước đây, cát được lấy ở trên các bờ biển, nhưng bờ biển bị xâm thực nặng nên giờ đây cứ đến mùa vụ, bà con phải mua cát từ những người công nhân đang hút cát dưới biển khơi. Mà ven biển Lý Sơn không có nhiều cát, chỉ là những thảm san hô, vì vậy đây cũng là nỗi lo chung của bà con.

Bà con nông dân đã vất vả “một nắng hai sương” trồng lên những cây tỏi mang thương hiệu Lý Sơn. Nhưng hiện nay, nhiều người chỉ vì lợi ích trước mắt đã mua giống tỏi Lý Sơn đem về trồng ở một vùng đất khác. Sau khi thu hoạch lại đem về với Lý Sơn để trộn lẫn và bán cho du khách, gây tình trạng hiểu nhầm và làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín bấy lâu của tỏi Lý Sơn. Người dân trồng tỏi ở đây cũng trở nên điêu đứng khi bị tư thương ép giá. Nếu trước đây 1kg tỏi có giá từ 100-120 ngàn đồng thì giờ chỉ còn 40-50 ngàn đồng.

Rời khỏi Lý Sơn, chúng tôi vẫn còn mang theo bao lời tâm sự của những nông dân nghèo, chân chất, vẫn canh cánh bao nỗi lòng về mảnh đất giàu ý nghĩa lịch sử và tính nhân văn này. Trên con đường dẫn chúng tôi ra bến thuyền vào với đất liền, những cánh đồng tỏi vẫn bạt ngàn xa tít tắp…

Bài và ảnh: Thanh Tình
;
.
.
.
.
.