100 HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ đang hội tụ dưới ngôi nhà chung: Liên minh HTX thành phố. Thành phần kinh tế này đang tạo cơ hội về việc làm cho hơn 45 nghìn lao động, hằng năm làm ra lượng của cải trị giá gần 400 tỷ đồng. Tuy chưa tạo sự đột phá trong SXKD, song kinh tế HTX luôn khẳng định vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội và rất cần cú hích để phát triển.
Hàng thủ công mỹ nghệ của HTX Mây tre An Khê. |
Vượt khó
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh… song kinh tế HTX ở Đà Nẵng vẫn đạt mức tăng trưởng lạc quan. Nếu như năm 2006, tổng vốn kinh doanh của các HTX chỉ khoảng 110 tỷ đồng, thì nay đã là 236 tỷ đồng. Năm 2010, tổng doanh thu của các HTX 375 tỷ đồng, tăng đều hằng năm 5%, thu nộp ngân sách 13,6 tỷ đồng.
Hiện nay, thu nhập của xã viên tăng 60% so năm 2006. Trong đó, 32 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt tổng doanh thu 16 tỷ đồng (2010), lãi 1,1 tỷ đồng, thường xuyên tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 29 nghìn xã viên. 35 HTX công nghiêp-xây dựng hằng năm đạt doanh thu 176 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.315 lao động. 32 HTX thương mại - dịch vụ vốn kinh doanh năm 2010 tăng gấp 3,5 lần so năm 2006, doanh thu hằng năm đạt 183 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.807 lao động.
Nhờ sự năng động, nhạy bén, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhiều HTX đạt doanh thu cao, là chỗ dựa tin cậy của xã viên. Ngoài các điển hình được nhắc đến trong những năm qua như HTX DVSX-KDTH Hòa Tiến 1, HTX Mây tre An Khê, HTX SXTMDV An Hải Đông, HTX Dịch vụ hỗ trợ ô- tô vận tải và xe du lịch… đã xuất hiện nhiều HTX mới thành lập theo hướng chuyên canh từ những câu lạc bộ nghề nghiệp như các HTX nấm, HTX trồng hoa cây cảnh, nuôi cá… Đặc biệt, HTX DVSX&KDTH Hòa Cường đã thành công khi chuyển đổi từ kinh doanh dịch vụ nông nghiệp sang đầu tư, quản lý, kinh doanh chợ.
Tuy vậy, kinh tế HTX đang chịu nhiều áp lực không nhỏ trên thị trường. Mặc dù có Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phương hướng củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007-2015 và Quyết định 7303/QĐ-UBND ngày 9-9-2008 của UBND thành phố về Ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Thành ủy, song hoạt động của các HTX nông nghiệp vẫn chưa thật sự khởi sắc.
Nhiệm kỳ qua thành lập mới 9 HTX nông nghiệp thì có 6 HTX giải thể, nhiều HTX hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Các HTX thuộc lĩnh vực CN-XD, TM-DV quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, công nghệ chậm đổi mới, sản phẩm không có tính cạnh tranh trên thị trường. Ở một số HTX nông nghiệp, xã viên chưa tâm huyết với hoạt động SXKD, nợ nần dây dưa. Hầu như tất cả các HTX đều khó tiếp cận với các nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đó là chưa kể, đội ngũ cán bộ HTX chủ yếu qua kinh nghiệm, ít được đào tạo cơ bản, thiếu hẳn sự năng động, nhạy bén với thời cuộc. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, thiếu sự đầu tư hỗ trợ từ trên…
Cần hỗ trợ để phát triển
Để tạo bước đột phá trong SXKD của kinh tế HTX, cần tạo cơ hội cho các HTX tiếp cận vốn vay, nhất là vốn ưu đãi, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn nhân lực cho các HTX, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường... Để mỗi năm phát triển thêm 5-7 HTX thuộc nhiều lĩnh vực, tăng trưởng 10 - 15%/năm, yếu tố có ý nghĩa quyết định là HTX phải được đầu tư về vốn để đổi mới trang thiết bị, công nghệ, nâng cấp cơ sở vật chất, thu hút nhân lực trình độ cao. Thành phố cần có chính sách phụ cấp cho cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp, đào tạo cán bộ cho HTX, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX… Các HTX phải chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình, tích cực tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm; tổ chức đi tham quan học tập các mô hình tiên tiến…
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu