Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 11 đã đạt mức tăng 0,39% so với tháng trước, theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố. Diễn biến này đã phá vỡ nỗ lực giảm tốc kéo dài suốt trong ba tháng trước đó (con số tương ứng của tháng 10 là tăng 0,36%).
Các mặt hàng lương thực tăng giá mạnh đã tác động đến CPI tháng 11. |
Ở các mức so sánh khác, tình hình cũng tương đối khả quan: nếu so với cuối năm ngoái, CPI tháng 11 đã tăng 17,5%. Theo ước tính của VnEconomy, nếu CPI tháng 12 tăng ở mức dưới 0,42% thì Chính phủ sẽ đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 18%.
Trong khi đó, chỉ tiêu lạm phát theo năm cũng đã lần đầu tiên rời khỏi mốc 20%. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng này chỉ còn tăng 19,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khoảng hai tháng gần đây, chỉ tiêu này thu hẹp khá lớn do cộng hưởng bởi mức tăng cao các tháng cùng kỳ năm trước.
Việc mặt bằng giá chung tiếp tục tăng lên, xét ở nguyên nhân tiền tệ, vẫn thấy xuất hiện lực kéo ở phía cầu. Thị trường mở OMO bơm ròng trong khoảng 3 kỳ tính giá gần đây tạo thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 20/10/2011, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đã giảm, nhưng tín dụng cho vay lại tăng so với tháng trước, đặc biệt là tín dụng tiền đồng Việt Nam. Đáng chú ý là tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng khá mạnh.
Trong khi đó, thời điểm này cũng bước vào giai đoạn cuối năm, khi các nguồn tiền từ ngân sách bắt đầu tăng giải ngân cho các dự án, công trình đã triển khai từ trước, nay hoàn thành và thanh toán tiến độ.
Ngược lại khi nhìn về phía cung, lũ lụt tại miền Trung, triều cường ở phía Nam, mùa vụ bị đẩy chậm lại do thời tiết ở phía Bắc… đều tác động đến khả năng cung ứng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là lương thực và thực phẩm.
May mắn là CPI thực phẩm tiếp tục giảm 0,26% trong tháng này. Tính chung lại, CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,56% trong tháng 11.
Cũng ở phía các nhân tố tích cực, việc giảm giá các mặt hàng dầu từ tháng ngày 10/10 đã góp phần đáng kể giảm chỉ số giá nhóm giao thông, hạn chế mức tăng của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng.
Với bưu chính viễn thông, xu hướng giảm “kinh niên” cũng tiếp tục tạo lợi thế cho mặt bằng giá trong tháng, dù không quá lớn.
Ở các nhóm còn lại, đáng chú ý là sức áp đặt của việc điều chỉnh chỉ số giá một số nhóm hàng hóa tiêu dùng có liên quan đến nguồn gốc nhập khẩu như may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị, đồ dùng gia đình; đồ uống, thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế.. Nguyên nhân là do tác động từ tỷ giá.
Cụ thể, chỉ số giá USD tháng này đã tăng 0,69% so với tháng trước; chỉ số giá vàng tăng 0,27%.
VnEconomy