Sau khi thành lập quận, sản phẩm truyền thống của quận Cẩm Lệ chỉ nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Trong đó, đáng kể nhất là sản phẩm Bánh khô mè Bà Liễu, làng giá đỗ Nghi An, Hòa Phát. UBND quận đã xây dựng các đề án như: “Đề án Phát triển CN-TTCN đến năm 2010 và sau 2010”, “Phát triển kinh tế đến năm 2015”, “Xây dựng sản phẩm chủ lực và phát triển nghề quận giai đoạn 2010-2015”. Đồng thời coi việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống cũng như phát triển thêm một số nghề mới là giải pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm cho người lao động.
Sau hơn 5 năm triển khai, một số nghề truyền thống được phát huy, bước đầu thị trường chấp nhận, như nghề làm bánh khô mè, làm giá, đồ gỗ mỹ nghệ, nấm… Tuy nhiên, nghề truyền thống của quận Cẩm Lệ còn hạn chế về nhân lực, quy mô, chất lượng, công kỹ nghệ còn lạc hậu.
Để hỗ trợ các làng nghề này phát triển, quận đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách theo phương châm duy trì và đẩy mạnh các nghề truyền thống đã có vị trí trên thương trường như Bánh khô mè, làng giá Nghi An... Đối với cơ sở Bánh khô mè Bà Liễu, ngoài việc ưu tiên cho thuê đất, hỗ trợ kinh phí để đổi mới công nghệ, hằng năm, quận tạo điều kiện về kinh phí để cơ sở tham gia các hội chợ trong và ngoài thành phố. Nhờ vậy, sản phẩm này ngày càng có uy tín trên thị trường, có cả thị trường nước ngoài. Đến nay, khoảng 12 hộ thu hút trên 100 lao động tham gia sản xuất tại 2 phường Hòa Thọ Đông và Khuê Trung. Riêng cơ sở chính của bà Liễu đã xây dựng được 3 cơ sở sản xuất thường xuyên và hơn 20 đại lý trên cả nước, giải quyết gần 50 lao động, doanh thu hằng năm trên 1 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và được xuất sang các nước Lào, Trung Quốc, Đài Loan.
Nghề làm giá Nghi An được hình thành từ những năm cuối của thế kỷ 19, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp tại làng Nghi An thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Hiện nay có khoảng 14 hộ sản xuất giá theo kinh nghiệm gia truyền, từ 3-5 lao động, là người trong gia đình. Do vậy, để hỗ trợ các hộ này phát triển sản xuất, quận đã phối hợp với các nhà khoa học, các cơ quan liên quan, nghiên cứu để có công nghệ sản xuất phù hợp từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước.
Trên cơ sở thành công của 2 nghề truyền thống này, quận đã có kế hoạch du nhập một số ngành nghề mới phù hợp như nuôi nhím, đà điểu, kỳ đà, cá sấu... Mặc dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã có kết quả khả quan, trong tương lai gần sẽ triển khai đại trà trên địa bàn. Đối với các cơ sở, các nghề có khả năng phát triển, quận đã có kế hoạch hỗ trợ để các cơ sở này đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và tích cực tham gia các hội chợ, mở rộng thị trường. Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của các cơ sở, trong quy hoạch các khu công nghiệp mới trên địa bàn, quận đã đề xuất dành một diện tích đất nhất định cho các hộ này thuê, hoặc hỗ trợ tiền đất lâu dài. Mục tiêu lâu dài của quận là xây dựng và củng cố các sản phẩm được coi là đặc sản, truyền thống của địa phương, dần tạo dựng uy tín, xây dựng thương hiệu.
Bài và ảnh: Đức Thịnh