.

Lo ngại hóa chất tẩy trắng thực phẩm

.

Xách giỏ đi chợ, các bà nội trợ rất lo ngại khi mua phải hàng kém phẩm chất. Nhiều người đành “mua đại”, dù biết nhiều loại thực phẩm  đang bị lạm dụng hóa chất độc hại.

 

Mô tả ảnh.
Để ngon miệng và trông bắt mắt, người kinh doanh hay sử dụng nhiều chất phụ gia không cho phép (ảnh mang tính minh họa).

 

Gần đây, theo tìm hiểu của chúng tôi, những người buôn bán rau, quả thường bày cho nhau cách làm bắp chuối đen biến thành màu trắng. Sau khi xắt ra (kể cả bắp chuối trắng) nếu không ngâm vào nước có nước cốt chanh, bắp chuối sẽ chuyển thành màu đen trông rất xấu. Bắp chuối trắng khoảng 70-80 nghìn đồng/kg, trong khi bắp chuối đen chỉ 30.000 đồng/kg, nếu muốn “nâng cấp” giá trị của bắp chuối đen phải tẩy trắng. Việc dùng nước cốt chanh để làm trắng thì xem như lỗ. Muốn làm trắng tức thời, chỉ còn cách dùng vài muỗng chất tẩy trắng hòa tan vào thau nước, ngâm chuối đã xắt vào rồi vớt lên và ngâm qua một nước là có ngay rổ bắp chuối trắng tinh, đẹp mắt.

Tại chợ Cẩm Lệ, chúng tôi thử hỏi một chị bán hàng lagim làm sao để làm được trắng đối với các loại rau muống chẻ, bắp chuối thì chị chỉ cười, nhưng khi đặt vấn đề mua nguyên bắp về bán thì chị không ngần ngại chỉ cho cách ngâm vào một ít hóa chất làm trắng. Còn tại chợ Hòa Khánh, có rất nhiều người bán miến dong có nguồn gốc từ phía Bắc. Trong số 3-4 loại miến được trưng bày với đủ mức giá, chúng tôi thắc mắc sao miến không được trắng thì chị bán hàng nói ngay: “Đừng có mà ham trắng, muốn cho nó trắng thì dễ lắm, chỉ cần pha chút bột tẩy công đoạn cán miến là trắng ngay, nhưng chị không làm, em yên tâm mà mua”.

Hiện nay, cái khó của người đi chợ cũng như Ban quản lý chợ là không thể nhận biết bằng mắt thường sản phẩm dùng hóa chất hay không. Ông Huỳnh Ngọc Quý, Trưởng Ban quản lý chợ Cồn cho biết, một số mặt hàng như nem, chả, BQL chợ đã có hẳn một điểm thử hàn the miễn phí cho khách hàng, còn những thực phẩm khác, chỉ có cơ quan chức năng kiểm nghiệm mới biết. Về quy định, nghiêm cấm các trường hợp dùng hóa chất cấm trong chế biến thực phẩm, song thực tế thì người ta vẫn dùng lén mà không dễ gì bắt được quả tang.

Được biết, hóa chất tẩy trắng không khó để mua tại các cửa hàng chuyên hóa chất trên đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm và Lê Duẩn. Giá không quá đắt, chỉ từ 30-50 ngàn đồng/kg, dùng được nhiều lần tùy theo số lượng pha chế. Chúng tôi hỏi anh T., một người quen mở công ty hóa chất trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) thì được biết, hóa chất do anh cung cấp chỉ sử dụng trong công nghiệp như tẩy da, gỗ, vải, sát trùng... Tuy vậy, “vẫn có khách hàng đến mua lẻ để sử dụng vào mục đích gì thì không biết. Thậm chí họ không biết cả tên hóa chất, chỉ cầm mẩu giấy ghi sẵn rồi nói bán cho vài ký”, anh T. nói.

Các loại rau như giá đậu, bắp chuối, rau muống chẻ thường dùng ăn sống, do vậy ai cũng biết nếu có can thiệp bởi chất tẩy trắng quá liều lượng cho phép sẽ gây ngộ độc, nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể người sẽ gây viêm loét dạ dày, loét giác mạc, thậm chí là ung thư. Những hóa chất như hydrogen peroxide, magnesium sunlfate hay sulfur dioxide và psychotrine... được sử dụng nhiều nhất đều là hóa chất công nghiệp. Các loại  rau quả như ngó sen, cà, dừa xiêm... lại thường được tẩy trắng bằng chất magnesium sunlfate. Chất này được sử dụng để tẩy vải sợi, rất dễ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Các loại bánh, lòng heo, giá sống lại được làm trắng bằng chloride sodium hydrosufite. Khi bị nhiễm qua đường khí quản, chất này sẽ gây khó thở, nghẹt thở. Dừa xiêm đã bóc vỏ mà có màu trắng đẹp thường được ngâm thuốc tẩy javen - loại nước tẩy khi vào trong cơ thể người có thể gây loét, thủng dạ dày, thậm chí tử vong...

Theo một cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, hiện đang thiếu rất nhiều các thiết bị kiểm nghiệm, muốn xác định các mẫu thực phẩm có ảnh hưởng sức khỏe hay không cần phải gửi đi kiểm nghiệm tại các trung tâm ở Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh. Mặt khác, chúng ta cũng khó trong khâu nhân lực để bao quát toàn bộ công việc liên quan đến chất lượng thực phẩm trên thị trường.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.