.

Nghề mới của nông dân

.
Cách đây hơn 1 năm, gia đình chị Lê Thị Bé còn cư ngụ trong ngôi nhà cấp 4 tại thôn Bầu Cầu, xã Hòa Châu (Hòa Vang), thu nhập trông chờ vào sản xuất nông nghiệp. Những lúc nông nhàn, chồng chị gia nhập đội quân thợ xây.
 
Quầy bán hàng điện nước của chị Nguyệt.
Quầy bán hàng điện nước của chị Nguyệt.
Thế mà nay, sau khi giải tỏa, tái định cư, hộ cận nghèo ấy đã ở trong ngôi nhà 3 tầng mặt phố đường 10,5m tại khu B Nam cầu Cẩm Lệ và chị Bé đã là chủ quán bún, phở. Chồng chị cũng đã chuyển sang nghề thầu xây dựng. “Không có giải tỏa, tái định cư, có nằm mơ cũng không bao giờ có được cơ ngơi và cuộc sống như hiện nay”, chị Bé mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
 
Chị cho biết, sau khi giải tỏa, không còn đất sản xuất, chăn nuôi, cũng cảm thấy lo. Tiền đền bù đã đầu tư làm nhà gần hết. Thế rồi “trong cái khó ló cái khôn”, chị học nghề nấu bún rồi về bàn với chồng mở quán. Chỉ khoảng 20 triệu đồng để mua sắm vật dụng, bàn ghế, nay công việc ổn rồi. Trừ hết các khoản chi phí, lãi 120-150 nghìn đồng/ngày, cao hơn nhiều so hồi làm nông.

Hồi chưa giải tỏa, gia đình ông Ngô Văn Chỉnh, cũng ở thôn Bầu Cầu sản xuất gần 2 mẫu ruộng. Ruộng nhiều, nhưng hộ 9 nhân khẩu này quanh năm túng thiếu do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thất thường. Sau giải tỏa, được phân lô đất chính, lô phụ tại khu B Nam cầu Cẩm Lệ, gia đình ông không chỉ xây nhà tầng mà còn dư gửi tiết kiệm. Con ông người nào cũng kiếm một nghề khá ổn định. Hỏi về đời sống hiện tại, ông Chỉnh cho biết: So hồi chưa giải tỏa khá hơn nhiều. Trước đây làm nông, năm được mùa thu gần chục tấn lúa, trừ hết chi phí, lãi khoảng vài ba chục triệu đồng. Chừng đó chi tiêu dè xẻn mới đủ cho cả năm. Còn nay, con cái đứa nào cũng có lương, 2 ông bà bán hàng tạp hóa cũng thu hơn 100 nghìn đồng/ngày.

Cùng dãy phố vừa hình thành, sau khi giải tỏa, vợ chồng chị Ngô Thị Ánh Nguyệt quyết định đầu tư mua ô-tô tải và mở quầy bán hàng điện, nước. Chị Nguyệt tâm sự: Hồi giải tỏa cả đất cả nhà được đền bù chưa đến 300 triệu đồng, nhưng được bố trí 2 lô đất. Để có tiền đầu tư kinh doanh, đành phải bán một lô. Chồng vận chuyển vật liệu, vợ bán, lãi 250-300 nghìn đồng/ngày. 

Đi dọc các khu dân cư mới mà chủ nhân là nông dân thôn Bầu Cầu, Đông Hòa, xã Hòa Châu, chúng tôi đều bắt gặp các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp như xưởng sản xuất đồ gỗ, cơ sở may mặc. Có gia đình mở quán Intenet, cà-phê. Người mở quán ăn, quán bún, phở… Có điều rất chung là khi hỏi về thu nhập ai cũng cho rằng, nghề mới này thu cao hơn nhiều so với hồi làm nông, đời sống cải thiện trông thấy. Giải tỏa, tái định cư là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự đổi mới về cơ ngơi nhà cửa và đời sống hiện nay của họ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu Nguyễn Bình cho biết: Bầu Cầu là thôn đầu tiên của huyện Hòa Vang giải tỏa trắng. Gần 300 hộ của thôn này đã và đang xây dựng nhà cửa khang trang tại các khu tái định cư. Chẳng bao lâu nữa là các khu phố sầm uất. Về việc làm, không kêu ca phàn nàn, hộ nào cũng tự tạo dựng cho mình một nghề mới để mưu sinh. Và tín hiệu rất vui đó là các nghề mới nông dân Bầu Cầu vừa tạo dựng đều phù hợp với điều kiện hiện tại, ai cũng có thu nhập cao hơn nhiều lần so trước đây.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu
;
.
.
.
.
.