.

Nỗ lực bình ổn giá

.
Thành phố Đà Nẵng không có quỹ bình ổn giá dành cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, trong những năm qua, các doanh nghiệp, siêu thị và các chợ trên địa bàn Đà Nẵng vẫn nỗ lực tham gia bình ổn giá, nhất là trong các dịp lễ, Tết, mùa mưa bão… để chia sẻ cùng người tiêu dùng (NTD), góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Mô tả ảnh.
Nhờ chủ động nguồn cung ứng nên giá thịt tại thị trường Đà Nẵng bình ổn.
 
Tích cực tham gia bình ổn

Với vai trò là nhà phân phối bán lẻ, ngoài các chính sách giảm thiểu việc điều chỉnh giá để bảo vệ sức mua của NTD, thời gian qua, Siêu thị BigC luôn nỗ lực tham gia bình ổn giá cả thông qua các chương trình khuyến mãi hay phát triển các mặt hàng mang lại lợi ích nhất định cho khách hàng. Điển hình là các hàng hóa mang thương hiệu độc quyền của BigC như các loại thịt nguội eBon chất lượng cao và giá cả hợp lý luôn được đẩy mạnh hay hàng “WOW! Giá hấp dẫn” với trên 200 mặt hàng thiết yếu có giá rẻ từ 10% đến 70%. Ngoài ra, BigC luôn có các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho hàng nghìn mặt hàng từ 5% đến 50% để chia sẻ cùng NTD.

Cũng là một trong những doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc giữ giá nhằm bảo vệ NTD, nhiều năm qua, Co.op Mart Đà Nẵng với phương châm “Càng khó khăn càng chia sẻ với khách hàng”, tùy thời điểm, đôi lúc thị trường có nhiều biến động, song siêu thị vẫn giữ giá phục vụ khách hàng. Không những thế, cùng sự hỗ trợ của thành phố, từ đầu năm đến nay, Co.op Mart Đà Nẵng rất nỗ lực đưa nhiều chuyến hàng Việt, hàng bình ổn giá về với nông thôn, vùng xa, các khu công nghiệp và luôn được người dân đón nhận. Các mặt hàng Co.op Mart Đà Nẵng đưa đến tay người dân chủ yếu phục vụ đời sống hằng ngày, sản xuất trong nước, hàng Việt Nam chất lượng cao, có giá cả phù hợp, bán thấp hơn giá thị trường từ 10% đến 15% kèm theo các chương trình khuyến mãi.

Tại các chợ lớn như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa…, thương nhân cũng tham gia tích cực vào việc bình ổn giá khi thị trường có biến động bằng việc tổ chức các quầy hàng bình ổn giá hay ngay trong việc thực hiện niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết.

Vẫn khó?

Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giữ giá phục vụ nhân dân, song nhiều doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn bởi nguồn vốn dự trữ hàng để bình ổn rất lớn. Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng, cho biết: “Vào những thời điểm như Tết, lễ lớn… mặc dù chúng tôi rất cố gắng giữ giá, thậm chí có nhiều chương trình khuyến mãi để NTD có được giá tốt nhất, song nguồn kinh phí quá lớn, nên chúng tôi cũng chỉ cố gắng làm theo năng lực có thể. Tuy vậy, trong mọi thời điểm, hàng hóa của siêu thị vẫn rất ổn định, bởi chúng tôi có một điểm thuận lợi là đều lấy hàng từ kho chung ở TP. Hồ Chí Minh”.
 
Còn đối với BigC, bằng nguồn vốn của mình, BigC cũng tự cam kết bình ổn giá bằng việc áp dụng chính sách giá rẻ nhất trên thị trường đối với 10 mặt hàng thiết yếu như đường, gạo, nước mắm, trứng, mì gói... Giảm giá so với giá ấn định trên bao bì với 1.400 mặt hàng thực phẩm khô và hóa mỹ phẩm. Đối với các mặt hàng thiết yếu, BigC cam kết mua số lượng lớn, ổn định, giảm tối đa các khâu trung gian… để mang lại lợi ích cho NTD. Để ổn định hàng hóa trong những tháng cuối năm, nhất là thời điểm Tết, các siêu thị hiện đã chủ động thương lượng với các nhà cung cấp để có đủ số lượng và giá tốt. Như Co.op Mart Đà Nẵng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng trị giá khoảng 50 tỷ đồng phục vụ nhân dân.

Mặc dù không có quỹ bình ổn giá, song các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn Đà Nẵng vẫn tích cực tham gia cùng thành phố trong bình ổn thị trường. Việc làm này không những tạo lòng tin trong nhân dân mà còn góp phần khẳng định uy tín của các doanh nghiệp trên thị trường. Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Sở Công thương luôn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về thông tin và tận dụng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để giúp đỡ doanh nghiệp cùng tham gia bình ổn giá. Như việc tổ chức các hội chợ và Tháng bán hàng khuyến mãi đã góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng và quảng bá những sản phẩm mới. Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường luôn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vấn đề giá cả, VSATTP, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… trên thị trường để bảo đảm lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Bài và ảnh: Thanh Tình
;
.
.
.
.
.