.

Nông dân làm giàu

.

Nông dân quận Cẩm Lệ đã mở ra nhiều hướng làm ăn mới rất hiệu quả khi số hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm ngày càng nhiều. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà sản phẩm làm ra được thị trường cả nước ưa chuộng.

bong_sung.jpg
Ông Ngô Văn Lãng làm giàu từ trồng hoa súng.

 

Tìm hướng đi có tính đặc thù 

So với gần 4.500 hộ hội viên toàn quận, 147 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp, giai đoạn 2009-2011 ở Cẩm Lệ là con số khá khiêm tốn. Tuy vậy, với quy mô và hiệu quả kinh tế, các mô hình tiêu biểu này đã tạo hướng làm ăn mới trong xây dựng nông nghiệp đô thị tại địa phương còn rất ít đất canh tác. Họ đã tận dụng tối đa tiềm năng đất đai, nhạy bén với thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và làm ra nhiều của cải giá trị.

Làm giàu từ trồng hoa súng xuất phát từ trồng cho vui cách đây 5 năm, nay đã là hoạt động kinh tế “hái ra tiền” của nhóm 4 gia đình. Chỉ trong phạm vi 200-300m2, hộ nào cũng thu 300-400 triệu đồng/năm. Ông Ngô Văn Lãng, ở tổ 2 phường Hòa Thọ Đông, người đưa hoa súng về Đà Nẵng trồng thử cách đây 5 năm cho biết: Ngày đưa về cứ nghĩ trồng cho vui, bởi loài hoa này có nét rất đặc thù là mỗi ngày nở một bông, màu sắc khá ấn tượng. Không ngờ nhiều người ưa thích, dần dà trở thành hoạt động kinh tế chính của gia đình. Loài hoa này chỉ 1 tháng rưỡi kể từ ngày cấy giống là cho hoa, trồng theo kiểu gối đầu tháng nào cũng có bán. Với 4 bể khoảng 300m2 đủ đặt 1.200 chậu, tháng nào cũng xuất bán 800 chậu. Với giá 40 nghìn đồng/chậu, mỗi năm thu khoảng 400 triệu đồng. Mấy năm nay khách hàng Hà Nội đặt mua thường xuyên, có khi không đủ để bán. Cách bán hàng của ông là quảng bá trên mạng, sau khi có khách là trao đổi bằng điện thoại và email. Hàng chuyển bằng ô-tô, tiền thanh toán qua tài khoản. 

Học tập ông Lãng, các ông Phan Ngọc Thành, Ông Văn Chờ… cũng trồng hoa súng và họ đang ăn nên làm ra từ loài hoa dân dã này. Không những vậy, trong các khu vườn những người yêu hoa ở Cẩm Lệ, ngoài hoa súng, còn nhiều bon-sai rất giá trị. Sản phẩm giàu tính nghệ thuật này vượt ra khỏi thị trường Đà Nẵng đến các địa phương khác.

Sản xuất quy mô lớn

Đó là điều dễ nhận thấy tại các mô hình tiêu biểu ở Cẩm Lệ thời gian gần đây. Hộ nông dân SXKD giỏi nào cũng nhận thức rằng, phải đầu tư bài bản, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhạy bén, năng động với thị trường. Và chỉ trong phạm vi vài ba trăm mét vuông, nhiều hộ thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Cẩm Lũy, ở phường Hòa Thọ Tây là một trong những điển hình. Với 250m2 bể xi-măng, ông nuôi cá tràu, trê lai quy mô công nghiệp, mỗi năm thu 3 lứa 7-8 tấn, trị giá 350-370 triệu đồng, lãi ròng 150-200 triệu đồng. Hoặc như ông Trương Văn Tảo, ở tổ 25 phường Hòa Thọ Tây, có trại heo từ 120 đến 170 con/lứa, mỗi năm xuất chuồng hàng chục tấn heo thịt, doanh thu 400-500 triệu đồng, lãi ròng 150 triệu đồng…

Ở phường Hòa Xuân, ông Lê Văn Giới từng là người tiên phong trong thực hiện cơ giới hóa, là nông dân SXKD giỏi cấp quận nhiều năm liền. Sau khi giải tỏa, không bó tay trước khó khăn, ông đã thuê 2 sào đất nơi khác, lập trại heo, trại sản xuất nấm quy mô lớn. Nay trang trại này đem lại nguồn thu gần 1 tỷ đồng/năm.
Có thể nói, nông dân Cẩm Lệ đã và đang tạo nên bức tranh mới nhiều gam màu của nền nông nghiệp đô thị.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.