Cứ sau vài lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng nấm do Hội Nông dân thành phố phối hợp với HTX nấm An Hải Đông tổ chức, lại có thêm một HTX nấm ra đời. Chị Vũ Thị Mùi, Chủ nhiệm HTX nấm An Hải Đông là người trực tiếp tập huấn về mô hình này.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 5 HTX nấm hoạt động với hơn 400 hộ tham gia nuôi trồng. Riêng năm 2011 có đến 4 HTX nấm ra đời, đánh dấu bước phát triển mạnh của nghề sản xuất - kinh doanh nuôi trồng nấm. Trong điều kiện quỹ đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc phát triển mô hình HTX chuyên nấm là hướng đi đúng và phù hợp với chủ trương của thành phố về việc xây dựng nền nông nghiệp đô thị.
Nếu như trước đây bà con nông dân chỉ mới quen với mô hình trồng nấm rơm thì nay nhờ chuyển giao ứng dụng cộng nghệ sinh học, đã có thêm nhiều kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm mới, cho giá trị kinh tế cao hơn. Chị Vũ Thị Mùi cho biết: “Làm nấm rơm thì phải chủ động nguồn rơm nhưng nguồn rơm bây giờ cũng hạn chế. Trong khi đó, nấm bào ngư hiện được thị trường ưa chuộng, nguồn cung không đủ cầu. Kỹ thuật trồng nấm bào ngư lại đơn giản, công chăm sóc ít, chỉ cần diện tích 20m2 đã có thể tổ chức sản xuất và điều quan trọng là nông dân có thu nhập từ hái nấm hằng ngày, hiệu quả kinh tế thấy ngay”.
Trong một hội thảo giới thiệu về các loại nấm mới có giá trị dinh dưỡng cao như nấm linh chi, nấm đùi gà, nấm chân dài... do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đà Nẵng cho biết sẽ chuyển giao công nghệ trồng các loại nấm quý này cho các HTX nấm vào đầu năm 2012. Như vậy, việc hướng nông dân chuyển sang sản xuất nấm - một sản phẩm nông nghiệp sạch có giá trị cao - theo mô hình HTX sẽ giúp nghề trồng nấm phát triển nhanh và có quy mô. Theo chị Mùi, mỗi HTX đều có khả năng trở thành một trung tâm sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật và dịch vụ đối với nghề nuôi trồng nấm, có thể sản xuất và cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường tại chỗ.
Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, con số 400 hộ nông dân đang tham gia sản xuất nấm vẫn là một tỷ lệ khá nhỏ so với tổng số hộ nông dân trên toàn địa bàn thành phố hiện nay. Khi các mô hình trồng nấm phát triển nhân rộng trong nay mai thì vấn đề đặt ra là cần phải hình thành thị trường tiêu thụ mới. Ngoài các thị trường tiêu thụ truyền thống phục vụ các món ăn chay, việc tuyên truyền về thực phẩm sạch, an toàn, trong đó có các loại nấm là một nguồn protein thực vật có thể thay đổi trong các khẩu phần ăn hằng ngày cần được phổ biến.
Ẩm thực, giá trị dinh dưỡng từ nấm vẫn còn là điều khá mới mẻ trong thói quen và văn hóa ẩm thực của nhiều người tiêu dùng. Một số loại nấm có giá trị dược liệu cũng cần được tuyên truyền về công dụng và cách sử dụng. Từ đó dần hình thành nhận thức cộng đồng về nguồn thực phẩm, dược phẩm từ nấm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Các cơ sở sản xuất nấm cũng cần được cấp giấy chứng nhận bảo đảm quy trình cung cấp sản phẩm an toàn để nguồn nấm đưa ra thị trường có xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngành Y tế nên sớm vào cuộc, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa giúp nghề nuôi trồng nấm được bảo đảm phát triển khi có đầu ra ổn định.
Bài và ảnh: Phương Nguyễn