.

Thách thức đối với doanh nghiệp mới

.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đăng ký thành lập mới trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, có đến  10% trong số đó phải phá sản, giải thể, hoặc  tạm ngừng sản xuất. Trong điều kiện nền kinh tế bất ổn, các DNVVN mới thành lập thường gặp những thách thức cần phải vượt qua để tồn tại và phát triển.

Mô tả ảnh.
Nhà quản lý DNVVN được tư vấn và đăng ký thành lập DN tại  Sở Kế hoạch và Đầu tư.

 

Vốn là thách thức hàng đầu

Các nhà quản lý DNVVN mới thành lập nhận thức rằng, DNVVN là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng lạm phát tăng cao và chính sách thắt chặt tín dụng hiện nay. Bởi lẽ, DNVVN nhìn chung vừa ít vốn, chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay, lại hoạt động riêng lẻ, và thiếu khả năng ứng phó tình thế. Trong một cuộc phỏng vấn ngắn của phóng viên Báo Đà Nẵng với các chủ DN đến đăng ký thành lập mới tại bộ phận “một cửa liên thông” của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 18/18 người được phỏng vấn hầu như có chung câu trả lời: “Khó khăn lớn nhất của DNVVN mới thành lập là thiếu vốn,  không có được sự ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng vì chưa có uy tín từ hoạt động của DN. Việc tiếp cận nguồn vốn đối với DNVVN  hoạt động nhiều năm vốn đã rất khó khăn trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, thì rõ ràng các DNVVN mới thành lập không có “cửa” để  giải nhu cầu vay vốn.

Kỹ năng phần mềm

Theo đánh giá của bà Đồng Thị Bích Chính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Đà Nẵng, rất nhiều nhà quản lý DNVVN thiếu các kỹ năng phần mềm trong quản lý DN. Việc điều hành các DNVVN thường theo kinh nghiệm và nặng về quan hệ gia đình. Trong khi hiện nay, ngành dịch vụ và thương mại chiếm đến gần 82% cơ cấu ngành nghề hoạt động của DNVVN, thì các ông chủ lại thường thiếu trình độ quản lý về tài chính, kiến thức luật pháp thương mại, không có tư duy chiến lược, tầm nhìn và khả năng đương đầu với những thay đổi.

Còn ông Trần Tô Tử, nguyên  thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thì cho rằng: “Bản chất của doanh nhân là người phiêu lưu mạo hiểm, người quản lý thiếu kiến thức liên quan đến công việc điều hành sẽ rất sợ rủi ro thay vì quản lý, kiểm soát rủi ro từ xa. Vì vậy, việc đào tạo nhà quản lý chính là yếu tố tiên quyết để xây dựng hệ thống quản lý toàn diện”.

Thay đổi tư duy xuất phát

Tuy số lượng các DN thành công ngày một nhiều hơn nhưng vẫn còn một tỷ lệ đáng kể những DN mới thành lập gặp thất bại khi khởi sự kinh doanh. Trong một lớp đào tạo quản trị tài chính cho các nhà quản lý mới đây do Trung tâm Hỗ trợ DN Đà Nẵng phối hợp với Công ty Đào tạo Quản lý trực tuyến OMT tổ chức, nhiều nhà quản lý DN đã chia sẻ những khó khăn trong công tác tài chính đang gặp phải. Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH An Duyên mới thành lập, chuyên sản xuất mặt hàng gỗ gia dụng nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia lớp đào tạo dành cho nhà quản lý DN. Chương trình học quá hay và thiết thực, giúp DN tôi tháo gỡ được một số vướng mắc ban đầu. Sau khóa học, tôi và nhiều học viên khác đã đề nghị trung tâm mở thêm nhiều lớp đào tạo khác để các chủ DN còn thiếu kiến thức như tôi được tham gia  học hỏi”. 

Đã đến lúc các nhà quản lý DNVVN  cần thay đổi tư duy khởi sự DN. Có vốn vẫn  chưa đủ để bắt đầu thực hiện việc kinh doanh. Nhà nước thay vì hỗ trợ vốn cho DNVVN sẽ hỗ trợ  đào tạo, cung cấp các kỹ năng, kiến thức kinh doanh, tư vấn các thủ tục, điều kiện pháp lý để nhà quản lý sẽ là các thủ lĩnh có  đủ năng lực đưa DN vượt qua thách thức trong thời kỳ kinh tế bất ổn.

Bài và ảnh: Thu Phương

;
.
.
.
.
.