.
Việt Nam - Vùng Kansai (Nhật Bản)

Nâng tầm phát triển kinh tế Hành lang Kinh tế Đông Tây

.

(ĐNĐT) - “Diễn đàn đối thoại kinh tế Việt Nam- Kansai lần thứ 5” tại Đà Nẵng là bước cụ thể hóa về mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược cấp quốc gia giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao vai trò của Đà Nẵng trong chương trình trọng điểm xúc tiến đầu tư của Vùng Kansai vào khu vực miền Trung.

Mô tả ảnh.
“Diễn đàn đối thoại kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ 5" thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây và vùng phụ cận, các doanh nghiệp Vùng Kansai, Nhật Bản và Việt Nam tham dự

Khu vực miền Trung được Chính phủ Việt Nam đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, tuy nhiên việc thu hút đầu tư nước ngoài để khai thác tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong 750 dự án FDI với số vốn 23,7 tỷ USD của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, chỉ có 71 dự án FDI với số vốn 417 triệu USD vào miền Trung và chỉ chiếm 2% tổng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam là con số quá khiêm tốn. Tuy nhiên, vai trò của Nhật Bản trong chiến lược phát triển vào khu vực miền Trung đã được định hình bởi từ năm 1990, Nhật Bản đã hỗ trợ vốn ODA để các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thiết lập nên EWWEC.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka – Nhật Bản Lê Quốc Thịnh cho rằng, hiện nay là thời điểm thuận lợi để Nhật Bản tham gia hoàn thiện hạ tầng giao thông, thiết lập căn cứ sản xuất lâu dài.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến thẳng thắn nhận định: Mục tiêu phát triển kinh tế từ EWEC chưa đạt được như mong muốn vì một số khó khăn, vướng mắc. UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị với Chính phủ, các nhà tài trợ và DN Nhật Bản quan tâm đến 4 vấn đề là đầu tư xây dựng cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển; hỗ trợ xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ; đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao và tăng cường cải cách hành chính tại các cửa khẩu.

Kiến nghị của Đà Nẵng được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải xác định tại “Diễn đàn đối thoại kinh tế Việt Nam - Kansai":  Tập trung đóng góp xây dựng về chính sách đầu tư có liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cho khu vực miền Trung. Thu hút các nguồn vốn từ Nhật Bản để khai thác hiệu quả tiềm năng của các quốc gia, các địa phương trong khu vực EWEC trong phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ phù hợp với chiến lược của Việt Nam và định hướng phát triển của khu vực..”.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Ngài Yasuaki Tanizaki cho rằng, Nhật Bản - Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển thuận lợi nhất từ trước đến nay khi mà trong tháng 10-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm cấp cao Việt Nam – Nhật Bản với các nội dung quan trọng, trong đó có việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Ngài Yasuaki Tanizaki cũng có nhận định FDI Nhật Bản vào Việt Nam tăng ổn định, nhưng hiện nay tốc độ tăng có phần chững lại. “Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi dễ hiểu và ấn tượng để nhà đầu tư thấy được”, Ngài Yasuaki Tanizaki nói.

Ông Noriaki Shutoh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đưa ra thông điệp đầy tích cực cho khả năng hợp tác đầu tư cho DN vùng Kansai Nhật Bản đó là Việt Nam có thể chế chính trị ổn định, văn hóa Á châu và nguồn lao động dồi dào. Ông Shutoh nhận định: DN Nhật Bản cần tìm kiếm cơ hội cũng như chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam là điều tất yếu.

Là địa phương cuối tuyến EWEC, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị phía Nhật Bản triển khai sớm việc xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất và đầu tư tiếp tuyến cao tốc từ Đà Nẵng - Đông Hà (Quảng Trị) tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa từ Thái Lan qua cửa khẩu Mukdahan - Densavan và cửa khẩu Savanakhet - Lao Bảo về cảng Đà Nẵng. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ vay vốn ODA của Nhật để xây dựng hầm đường bộ qua đèo Phú Gia và đèo Phước Tượng tại tỉnh Thừa Thiên Huế... 

 "Nhu cầu phát triển của Việt Nam, khu vực Tiểu vùng Mê Kông, Hàng lang Kinh tế Đông Tây và thế mạnh của vùng Kansai (Nhật Bản) đang gặp nhau. Vùng Kansai, gồm 7 tỉnh Nara, Wakayama, Mike, Kyoto, Osaka, Hyogo và Shiga, có thế mạnh về các ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, điện tử, hóa chất…, những năm gần đây đã chuyển sang phát triển các ngành công nghệ mới như công nghệ kỹ thuật số, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, nước.
 
Mô tả ảnh.
Kansai là trung tâm kinh tế, công nghệ, đào tạo nhân lực lớn của Nhật Bản. Trong ảnh: Một góc thành phố Sakai bên bờ Vịnh Osaka (Ảnh: Đ.N)

 Kansai là trung tâm kinh tế, công nghệ, đào tạo nhân lực lớn của Nhật Bản (chỉ sau khu vực Tokyo). Quy mô kinh tế của khu vực Kansai khá lớn, tương đương với nền kinh tế của Australia hoặc Hàn Quốc (GDP năm 2010 của khu vực này là 960 tỷ USD). Đây cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng của Nhật Bản với châu Á và thế giới. Nhiều tập đoàn lớn như Panasonic, Sharp, Sanyo… đều khởi nghiệp tại đây. Nơi đây cũng tập trung một số lượng lớn các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Hiện nay, thương mại và đầu tư của Kansai đã chiếm khoảng 25% tổng thương mại và đầu tư của Nhật Bản với Việt Nam. Thông tin đáng mừng là trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Kansai đang có nhu cầu chuyển đầu tư sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một điểm đến thuận lợi và đầy tiềm năng".

Ông Lê Quốc Thịnh (Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản)

 N.Phương - Đ.Nam

;
.
.
.
.
.