(ĐNĐT) - Nếu doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi, Bộ Tài chính kết luận.
Nếu chi đúng, các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu đều có lãi |
Ngày 19-12, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố công khai kết quả kiểm tra kinh doanh xăng dầu tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH Dầu khí TP Hồ Chí Minh và Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
Theo kết luận của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu tại thời điểm 26-8-2011 của liên Bộ là có căn cứ hợp lý. Căn cứ vào giá vốn hàng nhập tính đến 26-8, nếu doanh nghiệp thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi (trừ Công ty TMDK Đồng Tháp vì giá vốn hàng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đều quá cao).
Tại thời điểm trên, kết quả kinh doanh xăng dầu nội địa của các doanh nghiệp từ 1-7 đến 26-8 về cơ bản không lỗ lớn hoặc có lãi. Cụ thể, Petrolimex báo cáo ước lãi 130 tỷ đồng; Sài gòn Petro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng; Công ty TM DK Đồng Tháp báo cáo lỗ 55,23 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng.
Về chi thù lao đại lý tại một số thời điểm cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, theo Bộ Tài chính, trong điều kiện nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thì doanh nghiệp đầu mối và các tổng đại lý đại lý phải có chính sách tiết giảm chi phí để cùng Nhà nước và người tiêu dùng thực hiện tốt Nghị quyết 11/CP.
Vì vậy, việc chi vượt định mức chi phí kinh doanh cần phải xem xét và phải có quy định khống chế chi phí kinh doanh và thù lao đại lý.
Về đầu tư ra ngoài ngành, kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy, mặc dù năng lực tài chính của một số đơn vị còn hạn chế và doanh nghiệp vẫn còn thiếu vốn kinh doanh xăng dầu nhưng 4 doanh nghiệp đều có số vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương đối lớn (trong đó có các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản).
Vi vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao và không thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính để tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính theo chỉ đạo của Chính phủ.
ĐNĐT