Hội nghị Chính phủ mở rộng sáng 22-12 ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của các lãnh đạo Chính phủ về tình hình lạm phát.
Trong 4 tháng cuối năm, CPI có dấu hiệu giảm tốc, chỉ tăng dưới 1% mỗi tháng và tháng sau thấp hơn tháng trước. |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày, tính cả năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 18,12%, vượt khá xa mục tiêu ban đầu đã được Quốc hội phê chuẩn.
Bộ trưởng đánh giá, CPI năm nay chủ yếu tăng cao trong những tháng đầu năm và giảm dần trong những tháng cuối năm. Trong 4 tháng cuối năm, CPI có dấu hiệu giảm tốc, chỉ tăng dưới 1% mỗi tháng và tháng sau thấp hơn tháng trước.
Trong kỳ họp cuối năm 2010, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu CPI năm 2011 không quá 7%. Đến giữa năm 2011, trước tình hình lạm phát tăng cao, Chính phủ đã đề nghị nới lỏng chỉ tiêu CPI cả năm lên không quá 17%.
Trong phần phát biểu của mình, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói rằng, lạm phát cao là vấn đề mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt, tuy nhiên ông cũng nói lạm phát ở Việt Nam là rất cao. Do đó, kiềm chế lạm phát và ổn định tăng trưởng vẫn là mục tiêu được ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô trong năm tới.
Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 10%.
Cho biết CPI tháng 12-2011 tăng 0,53% và lạm phát cả năm khoảng 18%, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Chính phủ sẽ điều hành quyết liệt để hạn chế lạm phát năm 2012 ở mức 9%.
Người đứng đầu Chính phủ còn cho biết, thậm chí đã có những ý kiến đề nghị hạn chế lạm phát chỉ ở mức 5-6%, đồng thời chấp nhận tăng trưởng thấp, thậm chí chỉ 1-2%.
Tuy nhiên, Chính phủ sẽ quyết tâm để đảm bảo tăng trưởng ở mức 6%, và mức lạm phát 9% cũng được xem là một mục tiêu khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
VnEconomy