.

Đi chợ Hàng Việt

.

Cùng với “Tháng bán hàng khuyến mại năm 2011”, “Hội chợ Hàng Việt” là một hoạt động tích cực, nhằm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại thành phố Đà Nẵng.

Doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm.
Doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm.

Với quy mô 250 gian hàng, hội chợ thu hút được hơn 120 doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia với nhiều ngành nghề: trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ, may mặc, thời trang, điện tử, công nghệ thông tin, kinh doanh thực phẩm, thiết bị phụ tùng ô-tô, sinh vật cảnh... Nhiều khách hàng khi đến Hội chợ hàng Việt đều có chung nhận xét: Giá cả dễ mua, không quá khó để chọn những sản phẩm tiêu dùng cho gia đình vào dịp cuối năm. Chị Lê Thị Hồng, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cho rằng: “Dù không có nhiều sản phẩm đặc sắc, nhưng hội chợ vẫn có cái hay là hàng hóa gần như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Có thể ra chợ hoặc cửa hàng là mua được, nhưng đi hội chợ có thú là bao giờ cũng nhộn nhịp, đông vui”.

Lần đầu tiên, được sự vận động của Sở Công thương, các thương nhân, hộ kinh doanh của chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa tham gia gần 50 gian hàng với nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Không khí hội chợ vì thế cũng trở nên sôi động, gần gũi với người dân hơn. Sản phẩm hành, tỏi mang thương hiệu Lý Sơn cũng được nhiều người chọn mua. Nếu như trước đây, hàng thời trang của một số đơn vị may mặc trên địa bàn có giá cả khá cao thì hiện nay, xu hướng phục vụ người thu nhập thấp được chú trọng hơn. Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Vinatex có những sản phẩm áo, quần giá chỉ từ 45-100 ngàn đồng/chiếc nhưng khá model như đánh giá của nhiều chị em.

Tuy vậy, nhiều ý kiến khách hàng cho rằng, các hội chợ được tổ chức liên tục, quá nhiều nên lượng khách đến mua sắm giảm đi. Một phần là do các siêu thị đang ra sức cạnh tranh nguồn khách bằng các chương trình, khuyến mãi khiến khách hàng cũng không còn  hào hứng đi hội chợ như trước. Do đó, để kéo được sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp, thu hút người tiêu dùng, hội chợ phải thực sự đặc biệt, hấp dẫn.

Ông Lê Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng thừa nhận: Việc tổ chức hội chợ định kỳ hằng năm như trước đây hiện đang bị chi phối bởi tình hình khó khăn chung, trong bối cảnh địa phương nào cũng tổ chức vài hội chợ một năm. Để thu hút các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia giới thiệu và bán sản phẩm hàng Việt, Ban tổ chức đã áp dụng chính sách giảm 60% giá thuê mặt bằng gian hàng và đất trống ngoài trời, đồng thời cung cấp trọn gói dịch vụ bổ trợ như bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, lắp đặt gian hàng, cung cấp điện, nước... Trong khuôn khổ một hội chợ với quy mô vừa, doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước chỉ mong muốn tiếp cận tâm lý khách hàng, giúp thay đổi dần thói quen “chuộng ngoại hơn nội” của một bộ phận người dân trong thời gian qua nên phải bắt đầu từ từ.

Còn theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, mặc dù Hội chợ Hàng Việt diễn ra khá gần với Hội chợ Xuân nhưng có những điểm đặc trưng riêng về hàng hóa, về đối tượng phục vụ. Hội chợ lần này sẽ giúp quảng bá các sản phẩm thương hiệu Việt Nam, xây dựng niềm tin của người dân đối với hàng hóa trong nước. Ở góc độ địa phương, sẽ tuyên truyền cụ thể đến người dân chú trọng sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Đó cũng  là cách để đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng về cuộc vận động này.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.