Hàng trăm doanh nghiệp gặp khó khăn, phải ngừng sản xuất, dẫn đến hàng chục ngàn công nhân có nguy cơ mất việc làm ở Đà Nẵng. Bức tranh với những gam màu buồn ấy mang theo bao nỗi lo lắng khi Tết đến, xuân về...
Với nhiều nỗ lực, Công ty Dệt-may 29-3 Đà Nẵng đã vượt khó trong năm 2011 với doanh thu cao hơn năm trước. |
Lo mất việc
Trời chiều sập tối, cô gái L.T.T.H (25 tuổi, quê ở Quảng Bình) tất tả ghé chợ tạm gần đó mua mấy con cá và nửa bó rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều. H. ngượng ngùng: “Bọn em phải đi giờ này mới mua được đồ rẻ chị à. Lương công nhân chỉ đủ chi phí, tháng nào tằn tiện thì gửi về cho mẹ được vài trăm ngàn. Mà bọn em nghe nói công ty đang gặp khó khăn, thời gian tới có lẽ sẽ tạm nghỉ chờ việc”. H. cũng như nhiều công nhân của Công ty ITG - Phong Phú đang lo lắng về tình hình việc làm và việc thực hiện các chế độ chính sách, bởi thông tin công ty chỉ có kế hoạch sản xuất đến hết tháng 12-2011. Hiện công nhân phân xưởng nhuộm đã tạm nghỉ do hết việc. Về phía lãnh đạo công ty, đến giờ vẫn chưa có thông báo cụ thể nhưng hứa sẽ bảo đảm trả đủ lương, thưởng để người lao động về quê đón Tết. Công ty ITG - Phong Phú là đơn vị chuyên sản xuất hàng may mặc (có 60% vốn đầu tư của Mỹ và 40% vốn của Việt Nam) đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Đơn vị này hiện có trên 3 ngàn công nhân, trong đó có khoảng 80% là nữ, 210 người đang nghỉ thai sản.
Trao đổi với phóng viên, bà Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các KCN và CX Đà Nẵng cho biết: “Về vấn đề Công ty Phong Phú gặp khó, chúng tôi có biết và đã làm việc với Công đoàn cơ sở trực thuộc đơn vị này để nắm tình hình, nhưng do công ty chưa thông báo cụ thể nên chúng tôi chưa thể can thiệp hay hỗ trợ gì. Quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho hàng ngàn lao động tại công ty, nhất là các lao động đang nghỉ chế độ thai sản”. Hiện Sở LĐTB&XH Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo với UBND thành phố về vấn đề này để có thể theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Cần sự chia sẻ
“Năm nay có lẽ là năm khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp trong 20 năm trở lại đây”, ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng nhận định. Ngoài Công ty ITG - Phong Phú, Công ty TNHH một thành viên Gia Lê Nguyễn chuyên sản xuất đồ gốm trang trí và đồ gỗ cũng đã tạm dừng hoạt động trong năm 2011 do gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tháng 10 vừa qua, Công ty LK Work (Khu công nghiệp Hòa Khánh) chuyên sản xuất hàng may mặc cũng đã giải thể do khó khăn và hơn 600 công nhân của công ty phải tìm việc làm mới. Bên cạnh đó, một số công ty cũng cắt giảm lao động như Công ty Xuất khẩu thủy sản Phước Tiến...
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có trên 200.000 công nhân (CN) đang làm việc tại hơn 10.000 doanh nghiệp (DN). Sở KH&ĐT cho biết, tính từ đầu năm đến tháng 10-2011, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hơn 600 doanh nghiệp giải thể, ngừng và tạm ngừng hoạt động. Đây là năm có số lượng đơn vị giải thể tương đối cao so với các năm trước. Như vậy, một lượng lớn người lao động sẽ bị nợ lương, nghỉ việc. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế thế giới và lạm phát khiến các doanh nghiệp ở Đà Nẵng cũng như cả nước điêu đứng. Theo báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2011, cả nước có gần 50 ngàn doanh nghiệp (chiếm 9% trong tổng số doanh nghiệp) đã đóng cửa, nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn.
Trước thực trạng này, ông Văn Hữu Thiết cho rằng: “Dù gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp cần có trách nhiệm với người lao động về giải quyết các chế độ lương, thưởng... Người lao động cũng cần có sự chia sẻ với doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn này. Thành phố cũng cần có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp và người lao động để bảo đảm an sinh xã hội”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ