.

EVN: Lương bình quân cán bộ 13,7 triệu/tháng, nợ lên đến 200.000 tỷ đồng

.

Năm 2010, thu nhập bình quân toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 13,7 triệu đồng/tháng. Riêng cán bộ cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn có thu nhập bình quân gấp hơn 2 lần con số trên.

Thu nhập bình quân của cán bộ EVN là 13,7 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Hà.
Thu nhập bình quân của cán bộ EVN là 13,7 triệu đồng (Ảnh: Hoàng Hà)

Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng mỗi người một tháng. Còn khối phân phối điện, thu nhập bình quân mỗi tháng vào khoảng 7,9 triệu đồng.

Bên cạnh đó, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn còn chưa đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các đơn vị. Chẳng hạn, thu nhập bình quân toàn công ty mẹ bao gồm cả tiền thưởng vận hành an toàn điện năm 2010 là 13,7 triệu đồng một người mỗi tháng. Thu nhập bình quân cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn còn cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của công ty mẹ.

Trước đó, Tổng giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh tại một cuộc họp báo về giá thành sản xuất điện đã chia sẻ rằng thu nhập bình quân lao động trong ngành điện năm 2009 chỉ là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Và ông cảm thấy “đau lòng” vì mức thu nhập này rất khó sống ở đô thị. Tuyên bố của ông Thanh đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ trong dư luận vì hiện nay, nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, người lao động chỉ nhận một mức lương 2-3 triệu đồng mỗi tháng.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, tiền lương của người lao động trong năm 2009 ước đạt 2,84 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, các doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng, Tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước đạt 5,9 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng. Như vậy, mức lương trung bình 7,3 triệu đồng của cán bộ, công nhân viên EVN còn cao hơn cả các doanh nghiệp có mức lương trung bình đầu bảng.

Nợ của EVN lên đến trên 200.000 tỷ đồng

Cũng theo kết quả kiểm toán, tính đến ngày 31-12-2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con. Còn lại là vào các công ty liên doanh, liên kết và một số khoản đầu tư dài hạn khác. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận thu về chỉ khoảng 540 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ hơn 1%.

Kết quả kiểm toán cho thấy, EVN đã đầu tư trên 2.100 tỷ đồng vào các lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành kinh doanh chính như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng... chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu. Những lĩnh vực trên đều gặp khó khăn nhất định nên hiệu quả đầu tư giảm sút. Chẳng hạn, giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giảm sút so với thời điểm phát hành nên các khoản đầu tư của EVN vào đây không đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, EVN cũng đầu tư kém hiệu quả vào lĩnh vực viễn thông gây thua lỗ lớn. Tập đoàn này đã đầu tư 100% vốn vào Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telcom), với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng, nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 đã giảm tới 42% so với năm 2009.

Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần nhất của EVN Telecom sụt giảm liên tiếp. Nếu như năm 2008, lợi nhuận đạt được 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010. Tuy nhiên, EVN đã không chuyển toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm 2006  -2008 vào chi phí hoạt động của EVN Telecom mà chuyển cho các tổng công ty điện lực trực thuộc EVN với số tiền lên tới 1.026 tỷ đồng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, số nợ phải trả của EVN tính đến hết năm 2010 là trên 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng nguồn vốn. Khoản tiền EVN nợ tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tính đến 30/6/2011 đã lên tới hơn 8.860 tỷ đồng và nợ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hơn 1.200 tỷ đồng.

Tổng số lỗ của EVN năm 2010 trên 8.400 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%.

Riêng khâu sản xuất, kinh doanh điện lỗ trên 10.500 tỷ đồng chủ yếu do năm 2010, các nhà máy thuỷ điện thiếu nước nên EVN phải huy động nhà máy điện chạy dầu và mua điện ngoài hệ thống với giá cao gấp 3 - 4 lần giá bán bình quân. Cộng thêm các yếu tố khác như: biến động giá nhiên liệu, biến động tỷ giá hối đoái, nhiều nhà máy điện chậm đi vào vận hành nên hệ thống thiếu công suất, phải huy động điện chạy dầu giá thành cao… khiến số lỗ của EVN thêm lớn.

Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương kiểm tra, đánh giá việc đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư vào EVN Telecom của EVN.

Thủ tướng cũng chỉ đạo EVN kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm phát hiện qua thanh tra và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Theo VnExpress, VnEconomy

;
.
.
.
.
.