.

Hàng rong đổ về phố

.

Càng đến những ngày cuối năm thì người bán hàng rong từ các địa phương khác đổ về thành phố càng nhiều. Điều này ảnh hưởng không ít đến trật tự ATGT và môi trường đô thị, tuy nhiên công tác xử lý chưa triệt để.

Những người bán cây cảnh họp chợ dưới lòng đường và ăn cơm trên vỉa hè.
Những người bán cây cảnh họp chợ dưới lòng đường và ăn cơm trên vỉa hè.

Góc đường Phan Châu Trinh - Lê Duẩn không rõ từ khi nào mà cứ tầm khoảng 11 giờ là “chợ cây cảnh” lại nhóm họp ngay dưới lòng đường. Ban đầu chỉ có một hai chiếc xe chở một ít cây xanh tập trung tại đây, do vị trí khá “đắc địa” là sát đèn tín hiệu giao thông nên mỗi khi có đèn đỏ, một số người đi đường tranh thủ xem hàng và mua luôn, thế là dần dần nơi đây hình thành cả một chợ... cây cảnh. Vào lúc cao điểm, cả hàng chục xe chở cây xanh dựng thành hàng dài dưới lòng đường và trên vỉa hè thì chủ nhân những chiếc xe đó lại vô tư bày biện cơm ra ăn, ăn xong lại mắc võng nằm nghỉ trưa luôn.

Chị Hà (ở Đông Anh, Hà Nội) tự cho mình là một trong những người đầu tiên “xây dựng” chợ cây cảnh này nói rằng việc mua bán tại đây khá thuận lợi. Dù bán ở đâu thì những người bán cây cảnh dạo cứ gần đến trưa đều tập trung về đây để ăn cơm với nhau và bán cây luôn. “Nhiều người mua quen chỉ cần đưa địa chỉ là tụi tôi chở đến tận nhà, không lấy thêm khoản phí vận chuyển nào nên họ rất thích”, chị Hà nói. Trả lời chúng tôi về việc “đậu đỗ xe chiếm hết lòng đường không sợ CSGT xử lý?”, hầu hết những người bán cây cảnh tại đây đều nói: “CSGT chỉ làm việc tầm sáng sớm và chiều tối thôi, còn buổi trưa thì có ai đâu mà sợ”.

Theo quan sát của chúng tôi quả đúng như vậy, tại vị trí này hiếm khi có lực lượng CSGT trực buổi trưa, thế nhưng tại hai đầu cầu Sông Hàn, ngay trong thời điểm có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, vẫn có rất nhiều người bán hàng rong tụ tập và buôn bán dưới lòng đường. Lúc cao điểm có trên chục xe kéo thành vệt dài dưới lòng đường từ đường Yên Bái đến sát đầu phía tây cầu Sông Hàn. Ở đây, ngoài cây cảnh còn có cả  hạt dẻ, khoai lang nướng, hoa nhựa... thu hút khá đông người mua kẻ bán.

Điều khá lạ là vào lúc cao điểm, đầu phía tây cầu Sông Hàn kẹt xe, thế nhưng “chợ” vẫn họp khá đông đúc. Tương tự là “chợ” họp ở phía đông cầu Sông Hàn cũng rộn ràng và mất trật tự không kém. Dù ở đây ít xảy ra tình trạng kẹt xe, nhưng đây lại là vị trí khá nguy hiểm khi dốc cầu khá cao và có nhiều xe tải nặng lẫn xe container đi qua. Trong khi lực lượng CSGT chốt trực ngay dải phân cách ở đầu cầu và cách đó vài chục mét là chợ di động, nhưng chẳng mấy khi thấy Công an giải tán chợ này.

Trước đây, để giúp những hộ nghèo thoát nghèo, các cấp chính quyền, đoàn thể đã huy động nhiều nguồn lực giúp người dân bằng cách trang bị “cần câu” cho họ như xe đẩy bán hàng rong, xe bán nước mía, bàn ghế nhựa... Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn đã nhận thấy hình thức hỗ trợ này khiến các cơ quan chức năng rất vất vả trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán của những hộ dân này. Xuất phát từ thực tế này, gần đây thành phố đã chuyển hình thức hỗ trợ bằng cách giúp vốn làm ăn, bố trí nơi buôn bán, đào tạo nghề miễn phí...

Nhờ vậy, tình trạng xe hàng rong lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã giảm hẳn. Thế nhưng kết quả chưa được duy trì bao lâu, thành phố lại gặp phải tình trạng người bán hàng rong từ nơi khác đổ về. Đặc biệt trong dịp cuối năm này, số người bán hàng rong trên những phương tiện thô sơ lại tăng mạnh. Khắp các quận, ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đẩy bán hàng rong đi khắp ngóc ngách của thành phố.

Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng này, các lực lượng chức năng như CSGT, Kiểm tra quy tắc đô thị cần phải quyết liệt xử lý những trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán. Nếu không, mọi sự nỗ lực của thành phố trong việc tạo đường thông hè thoáng, phố xá văn minh sẽ không đem lại kết quả.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn
 

;
.
.
.
.
.