.

Kiểm soát giá cả dịp Tết

.

Nhằm bảo đảm giá hàng hóa ổn định, nhất là trong thời điểm từ nay đến Tết Nhâm Thìn, Sở Công thương đang đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng đầu cơ đẩy giá trong mùa cao điểm mua sắm.

Hệ thống siêu thị đã tích cực chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Trong ảnh: Khách hàng đến mua sắm tại Big C Đà Nẵng.
Hệ thống siêu thị đã tích cực chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Trong ảnh: Khách hàng đến mua sắm tại Big C Đà Nẵng.

Không lo thiếu hàng

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện hầu hết các hệ thống phân phối, nhà bán lẻ và DN trên địa bàn đều tích cực chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nhâm Thìn. “Qua theo dõi kế hoạch tạo nguồn hàng cũng như kế hoạch sản xuất của hầu hết các DN trên địa bàn nói chung và các DN tham gia bình ổn nói riêng, chúng tôi nhận thấy nguồn hàng của các DN bình ổn, siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ đầu mối khá dồi dào, bảo đảm đủ nguồn hàng để cung ứng cho người dân vào dịp Tết năm nay”, ông Bằng nói.

Hiện Sở Công thương đã lập phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu từ nay đến Tết Nhâm Thìn. Thời gian bán hàng bình ổn trong vòng 1 tháng (từ ngày 8-1-2012 đến ngày 6-2-2012). Theo đó, hỗ trợ Công ty TNHH Đắc Vinh vay 3,5 tỷ đồng không lãi suất từ Quỹ đầu tư và phát triển thành phố để trữ thịt heo bán giá thấp hơn 20% so với giá thị trường trong dịp Tết. Ngoài ra, Công ty Lương thực Đà Nẵng cũng dự trữ gạo để bán với giá thấp hơn 10% so với giá thị trường. Co.op Mart Đà Nẵng sẽ đưa hàng lên bán tại các xã vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp phục vụ bà con và công nhân. Siêu thị Big C cũng cam kết dành 10 tỷ đồng để dự trữ các mặt hàng thiết yếu bán hàng bình ổn trong dịp Tết.

Ngoài nguồn vốn ngân sách ứng hỗ trợ, các DN, hệ thống siêu thị còn chủ động dự trữ gấp đôi, gấp ba so lượng hàng bình thường. Các nhóm hàng được đặc biệt chú trọng gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản, bảo đảm giá thấp hơn thị trường và đạt chất lượng. Ông Phạm Phước, Trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu cho biết, để ổn định thị trường, hằng ngày Ban Quản lý chợ vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, vận động tiểu thương lập bảng niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Ngoài kiểm soát giá cả, Ban quản lý cũng rất lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn hàng.

Tăng cường kiểm soát

Trên địa bàn thành phố không có các DN sản xuất hàng hóa lớn có thể chi phối thị trường, chủ yếu là DN, đại lý, cửa hàng nhập hàng hóa từ các nơi khác. Là thị trường thứ cấp, nên khi nguồn cung tăng khó tránh khỏi việc giá sẽ tăng. Để chống đầu cơ, ghim hàng tăng giá bất hợp lý, Sở Công thương đã chủ động các biện pháp nắm chắc tình hình cung cầu hàng hóa, lượng dự trữ của các DN, bảo đảm đầy đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình thị trường còn diễn biến phức tạp. Và đây cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng, các đối tượng làm ăn phi pháp sẽ tăng cường hoạt động, thậm chí còn tạo ra cơn sốt hàng hóa giả, hàng nhái…

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng, trong 10 tháng đầu năm 2011, đơn vị này đã xử lý gần 2.500 vụ vi phạm với tổng số tiền thu nộp Nhà nước gần 6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu từ đầu tháng 7 đến nay cũng đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, để ổn định thị trường, góp phần chống lạm phát, ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục QLTT Đà Nẵng cho rằng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.