.

Kinh tế Đà Nẵng: Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và hội nhập

.

15 năm là một kỳ trải nghiệm đầy thử thách, ghi lại giai đoạn phát triển đặc biệt của thành phố Đà Nẵng ở vị thế mới. Nhờ sự chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, thành phố Đà Nẵng đang  từng bước thể hiện vai trò ở tầm cao hơn trong khu vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với xu thế chung của cả nước và thời đại, phát  triển theo hướng bền vững và hội nhập, đó là coi trọng an sinh, xã hội và môi trường.

Biển Đà Nẵng và tiềm năng du lịch.
Biển Đà Nẵng và tiềm năng du lịch.

Tăng trưởng gắn với phát triển bền vững

GDP bình quân đầu người của Đà Nẵng được nâng lên rõ rệt, năm 2000 đạt 6,91 triệu đồng/người, đến năm 2010 đã xấp xỉ 40 triệu đồng/người (bằng 1,6 lần so với mức bình quân chung cả nước). Ba năm liên tiếp (2008, 2009, 2010), thành phố được công nhận dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Nói đến tăng trưởng, không chỉ hiểu đơn thuần là tăng thu nhập bình quân đầu người, mà phải gắn với phát triển bền vững, chú trọng tới cả ba thành tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Chính vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn, Đà Nẵng đã chú trọng tăng thu nhập gắn với tăng chất lượng cuộc sống hay tăng phúc lợi và xóa đói nghèo. Tốc độ tăng trưởng cao ở mức hợp lý và bền vững luôn được các nhà hoạch định chính sách của thành phố đặt lên mục tiêu hàng đầu.

Tăng trưởng của nền kinh tế thành phố trong giai đoạn 1997–2011 thể hiện rõ nét qua việc tăng trưởng của cả ba nhóm ngành: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp hầu như liên tục đạt 2 chữ số với tỷ trọng tăng nhanh trong thời kỳ đầu và chậm lại từ năm 2009; tăng trưởng của ngành dịch vụ khá cao, đặc biệt từ năm 2006-2011, tăng cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP của thành phố, chiếm tỷ trọng cao nhất trên 54,2% vào năm 2010; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,48%/năm, có tỷ trọng giảm đều phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng dịch vụ, công nghiệp và nông, lâm, thủy sản.

Đánh giá thực trạng và giải pháp phát triển khu vực dịch vụ, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến khẳng định quan điểm: “Phát triển khu vực dịch vụ nhanh và bền vững là ưu tiên tập trung trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế thành phố”. Trong xu thế này, ngành dịch vụ chất lượng cao phát triển đa dạng hơn, đáp ứng cao nhu cầu của sản xuất và đời sống. Ngành du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Các ngành bưu chính - viễn thông, vận tải - kho bãi, thương mại, tài chính - ngân hàng phát triển nhanh; các dịch vụ y tế, đào tạo, khoa học công nghệ, tư vấn pháp lý,… có bước phát triển khá.

Xét về cơ cấu thành phần kinh tế, Đà Nẵng có sự chuyển biến khá rõ nét, theo hướng kết hợp khai thác nguồn lực trong nước và mở rộng kinh tế với bên ngoài. Khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia ngày càng sâu rộng, chiếm trên 62% cơ cấu kinh tế vào năm 2010.

Nếu năm 1997, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội của thành phố chỉ trên 1.000 tỷ đồng, thì đến năm 2011, con số này đã lên trên 25.000 tỷ đồng, trở thành yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm. Các dự án trọng điểm nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng; bổ sung thiết bị và hiện đại hóa, đào tạo nguồn nhân lực được ưu tiên tập trung đầu tư.

Hội nhập

Quy mô bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2011 là 42.670 tỷ đồng, gấp 20 lần năm 1997. Tính đến cuối năm 2011, trên địa bàn thành phố đã thu hút 208 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư lên đến 3,3 tỷ USD.

Đến nay, Đà Nẵng có quan hệ ngoại giao với gần 90 vùng, lãnh thổ. Hải sản, dệt may vẫn là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương. Bắt đầu từ năm 2006, thị trường  xuất khẩu hải sản được rộng mở về quy mô và số lượng. Cơ cấu kim ngạch có sự chuyển dịch tỷ trọng hàng xuất khẩu từ châu Á sang châu Âu và Mỹ, cho thấy Đà Nẵng đang dần hướng đến những thị trường có quy mô lớn, với những quy chuẩn cao hơn nhằm tìm kiếm sản lượng xuất khẩu ổn định.

Trải qua 15 năm, kinh tế Đà Nẵng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực phù hợp với xu thế chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế hiện tại thể hiện xu hướng phát triển của thành phố trong tiến trình hội nhập, đồng thời phù hợp với tiến trình tự nhiên xã hội, khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có và với cơ cấu đó, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về kinh tế, xã hội.

Mỗi chặng đường đi là mỗi điểm đích mới. Đến năm 2015, Đà Nẵng phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 3.200 USD.  Sự điều hành của chính quyền thành phố sẽ phải vượt qua những thử thách mới của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu để các mục tiêu chất lượng tăng trưởng kinh tế, hài hòa cơ cấu đầu tư đi sát với thực tế và linh hoạt. Những  chủ trương đúng hướng, kịp thời; những giải pháp mang tính đột phá, đi trước đón đầu;  tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có tại địa phương; phát huy tối đa nội lực, huy động các nguồn lực từ bên ngoài vẫn là những bài học kinh nghiệm quý báu mà Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy.

Bài và ảnh: Thu Phương

;
.
.
.
.
.