.

Mùa làm hàng Tết

.

Dù chưa vào cao điểm của mua sắm Tết, nhưng nhiều loại thực phẩm đã bán khá “chạy” khiến tiểu thương khá tất bật. Một mặt phải lo đủ hàng bán tại chỗ, mặt khác phải đáp ứng số lượng khách đặt ở nhiều nơi.

Làm nước mắm tại Nam Ô.
Làm nước mắm tại Nam Ô.

Chợ Hàn là địa chỉ khá nổi tiếng với các loại mắm tôm chua, mắm ruốc, mắm cái, mắm chuối sung… Không chỉ người dân Đà Nẵng thường hay đến đây mua về dùng hằng ngày mà hiện tại khách Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên đặt hàng các tiểu thương với số lượng lớn. Chị Thanh (quầy mắm chợ Hàn) cho biết vào tháng Tết, khách hàng của chị ở khắp nơi đặt hàng rất nhiều. Họ thường chọn các loại mắm cá, tôm đặc trưng của Đà Nẵng về làm quà. Nhiều khi đóng gói cho khách cả 200-300 hũ chuyển đi. Áp lực làm hàng bán mùa Tết về thời gian rất lớn. Lúc bình thường, chỉ 2-3 người làm là đủ bán, nhưng cận Tết phải thuê thêm nhân công làm ngày làm đêm, nhưng vẫn làm không kịp để bỏ hàng.

Năm nay khó khăn về thu mua nguyên liệu, giá cả lại cao gấp đôi so với năm ngoái cho nên nhiều chị em không thể làm nhiều. Chị Thanh so sánh, giá tôm năm ngoái chỉ 70-80 ngàn đồng/kg (loại vừa) là có thể làm được nhưng qua năm nay cùng loại tôm đó nhưng giá lên tới 110-120 ngàn đồng/kg. Các loại gia vị làm mắm như gừng, tỏi, đường, mì chính mua vào cũng cao nên bán ra phải cao. Lời lãi không được như trước, nhưng đã kinh doanh thì phải cố gắng hết sức để giữ chân bạn hàng. Ước tính doanh thu trong mùa mắm Tết, cơ sở của chị thu vào cả trăm triệu đồng.

Cơ sở dưa cà, củ kiệu của chị Thương (ở khối Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) từ cả tháng nay liên tục người ra vào đặt hàng chuẩn bị cho Tết. Cà pháo, dưa gang, đu đủ, hành tím, tỏi, ớt… những nguyên liệu phục vụ cho muối mắm được chất đầy trong nhà. Ngoài các loại mắm dưa, cà, củ kiệu ngâm giấm đã trưng bày tại chợ Hòa Khánh, chị còn hàng trăm hũ đựng mắm chờ ngày xuất bán dịp Tết. Theo chị Thương, để tránh việc mua phải nguyên liệu tăng cao trong dịp áp Tết, phải chuẩn bị từ vài tháng trước. Chủ động như vậy, giá bán ra cũng không quá cao mà vẫn bảo đảm được chi phí. Giá hiện nay khoảng 20 ngàn đồng/hũ cà ớt ngọt, 40 ngàn đồng/hũ củ kiệu, 50 ngàn đồng/hũ mắm tôm chua, 25 ngàn đồng/hũ mắm ruốc (loại 300gr), nhưng gần Tết có thể tăng hơn do sức mua tăng mạnh.

Hiện nhiều cơ sở chế biến nước mắm thủ công ở làng nghề nước mắm Nam Ô đang cật lực làm hàng Tết. Bà Nguyễn Thị Toán, hộ làm mắm ở Nam Ô 2 cho hay, một số khách hàng ở Hà Nội, Nam Định đã đặt hàng trăm chai nước mắm loại 1, nhưng bà vẫn chưa nhận lời vì sắp tới một số cơ quan, đơn vị ở Đà Nẵng đặt mua để làm quà biếu Tết. Theo Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, hiện có gần 100 hộ làm mắm với công suất tiêu thụ 1.000-1.500 lít nước mắm/năm/hộ. Dù công tác quảng bá thương hiệu chưa mạnh nhưng với khả năng của các hộ cũng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nước mắm trong suốt cả năm. Dịp Tết là lúc người làm mắm dồn sức làm hàng với kỳ vọng đem lại nguồn thu nhập chính yếu cho gia đình.

Một số mặt hàng mang tính thời vụ bán chạy trong dịp Tết còn có giò, chả, nem, tré cũng khởi động sớm phục vụ lễ, tiệc cuối năm. Hải sản khô ăn liền như cá cơm sấy giòn, cá đuối, cá bò, mực xé, bò khô của các cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng cũng đã đóng gói tung ra thị trường. Tuy nhiên, vào mùa làm hàng phục vụ Tết, để kịp bán, người ta thường hay làm trước từ vài tháng, muốn để được lâu phải dùng đến chất bảo quản. Nhiều người vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua khâu chất lượng an toàn cho sản phẩm, nhất là các hộ chế biến nhỏ lẻ, sản phẩm không qua đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng được bỏ mối cho người bán lẻ tại các chợ. Ban quản lý các chợ cần thường xuyên phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra việc sản xuất, chế biến các loại nem, chả…, bên cạnh đó nên có thêm nhiều điểm thử hàn the miễn phí, giúp khách hàng an tâm hơn.

Bài và ảnh: Xuân Duyên

;
.
.
.
.
.