Theo định hướng phát triển bền vững, ứng phó với các biến đổi về khí hậu, Đà Nẵng đang tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị. Theo đó, sẽ phát triển theo hướng thân thiện với môi trường và biến đổi khí hậu làm động lực phát triển.
Hạ tầng giao thông ở Đà Nẵng bị tàn phá bởi thiên tai. |
Tuy đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển hạ tầng đô thị nhưng Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Các chuyên gia tư vấn về hạ tầng đô thị quốc tế nhìn nhận rằng, hệ thống công cụ lập kế hoạch của các cơ quan quản lý mà đặc biệt là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể không gian; các kế hoạch ngành có liên quan chưa hoàn toàn được hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang cần xác lập các tiêu chuẩn đầu tư phát triển kinh tế, phương pháp đánh giá và cơ sở dữ liệu. Đây là vấn đề cần có sự vững chắc, mang tầm nhìn dự báo dài hạn bởi việc chuyển từ kế hoạch sang thực hiện phát triển hạ tầng đô thị là một vấn đề luôn nan giải của quản lý đô thị, nếu không có các yếu tố vững chắc và tính dự báo sẽ không có định hướng phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc với tổ chức GIZ thuộc Cơ quan Hợp tác phát triển Cộng hòa Liên bang Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cũng nhận định Đà Nẵng đang rất cần những chính sách, phương pháp quản lý và điều hành có hiệu quả trong quá trình đầu tư phát triển đô thị. Việc nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị hướng vào cải thiện khu vực ven biển phía Đông.
Các chuyên gia GIZ cho rằng, thành phố Đà Nẵng sớm thực hiện có hiệu quả chương trình về biến đổi khí hậu và môi trường của mình thông qua sự hợp tác liên ngành với việc chuẩn bị một chiến lược phát triển trọng tâm trên nền tảng thành phố môi trường để thực hiện đề án thành phố sinh thái như một lộ trình. Trọng tâm ở đây được đặt vào việc phân tích chiến lược các mục tiêu môi trường và phát triển của thành phố. Phân tích chiến lược này sẽ cung cấp thông tin cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch tổng thể không gian và các chiến lược ngành đã lựa chọn thông qua những đánh giá và phân tích các phương án lựa chọn ở cấp chiến lược.
Phân tích chiến lược này và các kết quả giám sát sẽ cho phép Đà Nẵng xây dựng hình ảnh và thương hiệu của mình là thành phố có các tài sản tự nhiên lớn, sẵn sàng bảo vệ môi trường và biết rõ sự cần thiết đối với việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Về quy hoạch không gian đô thị, tổ chức GIZ sẽ giúp Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch đô thị thành phố đưa các mục tiêu về biến đổi khí hậu và môi trường vào phản ánh trong quy hoạch tổng thể không gian và các công cụ lập kế hoạch dự án phát triển đô thị.
Ở hướng nghiên cứu khác, Sở Xây dựng cũng đang triển khai Đề án xây dựng mô hình thủy văn và mô phỏng sự phát triển đô thị Đà Nẵng. Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, muốn phát triển bền vững, Đà Nẵng phải giải quyết về lũ lụt, ngập úng và thủy triều. Các công tác nghiên cứu khoa học được thực hiện như xây dựng các bản đồ ngập lụt ứng với các kịch bản tần suất khác nhau, có xét đến quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Trên cơ sở nghiên cứu các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu, lũ lụt trong quá trình đô thị hóa, Sở Xây dựng tham mưu và đề xuất về các giải pháp thích ứng với điều kiện khí hậu, lũ lụt trong tương lai để quy hoạch, thiết kế kiến trúc xây dựng phát triển đô thị bền vững.
Ông Tô Quang Toán, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (đơn vị trực tiếp xây dựng bản đồ ngập lụt tại Đà Nẵng) nói rằng tình hình thời tiết khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Tại Đà Nẵng, lượng mưa sẽ tăng 10% dẫn đến lượng mưa vào mùa khô ngày càng giảm, lượng mưa vào mùa mưa ngày càng tăng nên hạn hán và lũ lụt ngày càng nhiều. Được biết trong năm 2012, thành phố Đà Nẵng tập trung đầu tư triển khai các giải pháp chống ngập úng đô thị qua việc lắp đặt máy bơm, đầu tư hạ tầng thoát nước một cách căn cơ.
Dự án “Phát triển đô thị Đà Nẵng thân thiện với môi trường và khí hậu” do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức viện trợ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ. Dự án nhằm cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng một Thành phố môi trường trong giai đoạn 2012 - 2013, lồng ghép với yếu tố biến đổi khí hậu đang diễn ra trong quá trình quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng đô thị một cách hiệu quả thông qua quy hoạch tổng thể đô thị theo hướng thân thiện với môi trường. Dự án có tổng kinh phí 1,65 triệu euro, trong đó Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ 1,5 triệu euro (tương đương 42 tỷ VND), phần còn lại là vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng. (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư) |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG