Sau 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã trở thành đô thị hiện đại ở trong nước và khu vực châu Á. Điều đó được thể hiện bằng sự kiện Hội đồng Kiến trúc sư châu Á chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức Diễn đàn kiến trúc đô thị lần thứ 32 và xem Đà Nẵng là thành phố kiểu mẫu trong phát triển đô thị thế kỷ 21 ở khu vực.
Mô hình Khu biệt thự ven biển Đà Nẵng do Tập đoàn VinaCapital đầu tư. |
Đột phá bằng hạ tầng giao thông đô thị
Mới đây, khi làm việc với lãnh đạo thành phố, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá: “Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là thành phố đang đổi mới mạnh mẽ, đi tiên phong trong phát triển đô thị theo hướng bền vững”. Một đánh giá ngắn gọn nhưng hàm chứa cả một thành quả phấn đấu qua 15 năm xây dựng và phát triển.
Nếu tính từ năm 1997, Đà Nẵng chưa có một khu đô thị mới nào và hệ thống giao thông chỉ có những tuyến đường chính được xây dựng từ rất lâu, thì việc trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương là điều kiện đầu tiên cho quá trình phát triển của Đà Nẵng như ngày hôm nay. Cầu Sông Hàn là cột mốc đánh dấu bước đột phá của Đà Nẵng trong việc phát triển hệ thống giao thông và trở thành biểu tượng của thành phố. Cùng với đó là việc xây dựng những tuyến đường giao thông rộng lớn như đường Bạch Đằng, đường Trần Hưng Đạo, đường 2 Tháng 9, đường Phạm Văn Đồng, tiếp đến cung đường Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Sa, Trường Sa, Lê Văn Hiến, cầu Tiên Sơn, cầu Thuận Phước, gần đây là việc xây dựng cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân… đã mở rộng quy hoạch không gian đô thị ra các hướng và làm thay đổi lớn bộ mặt đô thị, xóa được khoảng cách giữa nông thôn và thành thị tại Đà Nẵng.
Mở ra các khu đô thị mới
Nội lực Đà Nẵng cũng được khẳng định khi thành phố đầu tư phát triển hạ tầng đối với hàng trăm khu dân cư mới, tạo chỗ ở khang trang cho trên 10.000 hộ dân sau giải tỏa. Nhà mới, phố mới luôn mọc lên tạo cho đô thị Đà Nẵng một sức lan tỏa. Việc phát triển hạ tầng đồng bộ đã thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng để làm ăn, mở mang và phát triển. Năm 2004, Đà Nẵng chỉ có khu đô thị Phú Mỹ An do Công ty CP Đầu tư xây dựng 579 làm chủ đầu tư, thì đến nay thành phố có khoảng 10 dự án khu đô thị mới quy mô lớn đã được khởi công như: Đa Phước, The Empire, Riverside, ThienPark, Golden Hills, Hòa Xuân, FPT, Phương Trang, Hòa Quý… và mới đây là Làng Vân.
Dải đất ven biển phía đông thành phố từ bán đảo Sơn Trà đến vùng Non Nước - Ngũ Hành Sơn được quy hoạch đầu tư phát triển du lịch với chuỗi các khu du lịch đẳng cấp quốc tế từ 4 - 5 sao(+). Những khu biệt thự hàng triệu USD đưa Đà Nẵng trở thành thị trường bất động sản hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kiến trúc hiện đại
“Nóc nhà” thành phố ở giai đoạn 1997 là khách sạn Thái Bình Dương và Phương Đông tại khu vực ngã năm đường Phan Châu Trinh. Còn nay sau 15 năm, Đà Nẵng có thêm nhiều công trình kiến trúc hiện đại làm 46 điểm nhấn kiến trúc đô thị. Đó là những công trình đồ sộ như cao ốc Hoàng Anh Gia Lai cao 25 tầng, Vĩnh Trung Plaza 18 tầng, cao ốc Riverside Indochina cao 28 tầng, cao ốc Azura cao 33 tầng, khách sạn Sun Novotel 35 tầng... Đó là chưa kể các công trình văn hóa-xã hội đã hoàn thành như Công viên phần mềm, Nhà hát Trưng Vương, Cung Thể thao Tiên Sơn… Các cây cầu mới như cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý, cầu vượt ngã ba Huế hay như công trình sân vận động Hòa Xuân... sẽ được hoàn thành trong một vài năm tới sẽ tạo nên những dấu ấn kiến trúc độc đáo, hiện đại.
Suốt 15 năm qua, việc quy hoạch, kiến trúc công trình và cảnh quan được chú trọng đến việc phát huy cảnh quan thiên nhiên, đô thị được tổ chức hướng ra sông, biển mà tuyến đường Bạch Đằng là “ban công” thoáng đãng. Đà Nẵng đã và đang quản lý theo định hướng kiến trúc hiện đại có bản sắc, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, phát huy không gian mặt nước, khuyến khích tạo hình thái kiến trúc đặc trưng cho đô thị du lịch.
“Trọng tâm của đồ án quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng đến năm 2025 là sử dụng hiệu quả quỹ đất; nâng cấp hạ tầng khu trung tâm thành phố; tổ chức không gian đô thị hướng ra sông, ra biển; phát triển đa dạng hệ thống hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng diện tích cây xanh đô thị; quản lý chặt chẽ cảnh quan đô thị; đầu tư các công trình mang tính động lực về phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Về mặt kiến trúc, phát triển hướng kiến trúc sinh thái, kiến trúc đặc trưng về mặt thị giác để tạo giá trị nhân văn cho đô thị” - (Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG