.

Việt Nam là nước tiêu thụ thịt bò Nhật Bản lớn thứ hai thế giới

.

Chiều 27-12, ông Hoàng Văn Năm, quyền Cục trưởng Cục Thú y (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, từ trước tới nay, Cục Thú y chưa cấp phép kiểm dịch nhập khẩu thịt bò từ Nhật Bản cho bất cứ đơn vị nào. Nhưng phía Nhật lại thông báo, Việt Nam là nước nhập khẩu thịt bò của Nhật lớn thứ hai thế giới.

Bếp trưởng Phạm Văn Sơn chuẩn bị thịt bò Kobe để nấu phở tại khách sạn Vườn Thủ Đô ngày 30.3.2011. Ảnh: Reuters
Bếp trưởng Phạm Văn Sơn chuẩn bị thịt bò Kobe để nấu phở tại khách sạn Vườn Thủ Đô ngày 30.3.2011 (Ảnh: Reuters)

Vậy thịt bò Kobe xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian qua được lý giải thế nào, thưa ông?

Có ba nguyên nhân giải thích việc xuất hiện thịt bò Kobe ở Việt Nam trong mấy năm qua. Có thể người ta đưa thịt bò Kobe vào trong container hàng tạm nhập tái xuất (có thể không phải là hàng thịt bò). Vì hàng tạm nhập tái xuất không phải kiểm dịch nên họ không xuất đi hết, bằng cách nào đó, đến cửa khẩu xuất lại vòng về. Hoặc qua một nước thứ ba, thẩm lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Đó là loại thịt bò Kobe chính hiệu.

Thứ nữa, ở các lô hàng thuộc diện kiểm dịch để nhập vào (chẳng hạn như thuỷ sản từ Nhật Bản), nhưng có thể được kèm thêm mấy tạ thịt bò Kobe. Vấn đề kiểm dịch này cửa khẩu phải làm. Thêm nữa, hiện Cục Thú y cũng cho nhập khẩu thịt bò từ một số nước như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand… có chất lượng rất tốt. Giống bò Kobe cũng được nuôi ở một trong những nước đó, vì vậy, về hình thức tuy giống thịt bò Kobe Nhật Bản nhưng chất lượng có thể không bằng. Và nhập khẩu có thể lập lờ, quảng cáo đây là thịt bò Kobe Nhật Bản.

Cục không cấp phép, vậy ông biết thông tin thịt bò Kobe nhập vào nước ta như thế nào?

Đầu năm nay, ở Nhật có bệnh lở mồm long móng trên gia súc. Cục Thú y Nhật Bản đã thông báo đến chúng tôi về tình hình dịch, cũng như các biện pháp dập dịch mà phía Nhật thực hiện, đồng thời tạm ngưng xuất khẩu thịt bò vào Việt Nam. Chính vì họ làm nghiêm túc vậy, nên khi họ thanh toán xong dịch bệnh, lại tiếp tục cho xuất. Vì không thấy Việt Nam có văn bản xin nhập nên phía Nhật Bản đã gửi văn bản nói lại một lần nữa về tình hình dịch bệnh đã được thanh toán xong, đồng thời đề nghị phía Việt Nam cho phép nhập thịt bò.

Khi đó, tôi rất ngạc nhiên vì từ trước tới nay, Cục Thú y chưa cấp phép cho ai về kiểm dịch nhập khẩu thịt bò từ Nhật mà lại được yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò. Sau này, khi làm việc với tôi, phía Nhật thông báo, mấy năm qua họ vẫn xuất thịt bò sang Việt Nam với khối lượng thịt lớn thứ hai thế giới thông qua chứng thư do Việt Nam cấp. Như vậy, việc nhập khẩu thịt bò Kobe lâu nay vào Việt Nam là bằng thư giả.

Những chứng thư giả đó ký tên ai, thưa ông?

Phía Nhật Bản cung cấp cho chúng tôi một số chứng thư viết bằng tiếng Anh. Có một chứng thư, ký loằng ngoằng, đóng dấu cơ quan thú y vùng 2 (đóng ở Hải Phòng), và có viết tay “Bộ trưởng Thú y Hoàng Văn Năm”. Chứng thư đó là giả. Tôi đã đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ tổ chức, cá nhân nào làm chứng thư giả.

Phía Nhật sau đó có cho xuất thịt bò sang Việt Nam nữa không?

Từ khi biết thông tin đó, và trong giai đoạn điều tra, chúng tôi tiếp tục phát hiện những lô hàng thịt bò Kobe nhập dùng chứng thư giả. Phía Nhật đã gửi cho chúng tôi các chứng thư này. Tôi đã khẳng định với họ rằng, tất cả những chứng thư đó đều giả, và khuyên họ không cấp phép xuất thịt bò sang Việt Nam theo dạng chứng thư đó nữa.

Lâu nay việc xử lý thịt bò nhập khẩu từ Nhật được thực hiện như thế nào?

Ở cửa khẩu, các bộ phận liên quan, trong đó có hải quan, thú y phối hợp kiểm dịch phải ngăn chặn. Còn khi đã lọt vào trong nước thì cơ quan quản lý thị trường phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Được bán hay không, nguồn gốc như thế nào cũng là trách nhiệm của quản lý thị trường...

SGTT.VN

;
.
.
.
.
.