Dịp Tết, hàng thời trang Trung Quốc (TQ) ồ ạt tràn về. Dù có giá cao, hàng TQ vẫn được bán chạy.
Dù giá cao, nhưng với nhiều mẫu mã và chủng loại, áo quần Trung Quốc gần như áp đảo hàng Việt Nam. |
Áo ấm giá cao ngất ngưởng
Trời trở lạnh hơn tháng nay là cơ hội cho các cửa hàng “làm ăn” bằng cách tung ra hàng trăm kiểu áo ấm, áo gió với rất nhiều chất liệu: len, dạ, dù… đủ loại kiểu dáng khác nhau. Theo quan sát của chúng tôi tại nhiều chợ và điểm bán hàng dệt may Việt Nam, hàng thời trang Việt thường chỉ là áo quần mặc ở nhà, đồ công sở… và chiếm số lượng rất khiêm tốn. Còn ở hàng đồ ấm, hàng TQ đã hoàn toàn áp đảo hàng Việt.
Dạo quanh các shop áo quần trên đường Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, Lê Đình Dương…, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các mẫu áo ấm đều có xuất xứ từ TQ được định giá rất cao: có thể lên trên 1 triệu đồng/cái đối với kiểu áo phao, áo lông, áo dạ dài ngang gối, thấp nhất cũng khoảng 350 nghìn đồng/cái. Tuy nhiên, cùng một chất liệu, kiểu dáng tương tự, nhưng tại một số chợ như chợ Cồn, chợ Hàn, giá các áo này thường vào khoảng 250-700 nghìn đồng/cái.
Để lý giải cho sự chênh lệch về giá, nhiều chủ cửa hàng viện dẫn xuất xứ hàng mình là Hongkong, Đài Loan… chứ không phải TQ. Một chủ shop áo quần trên đường Lê Duẩn biện bạch: “Ngó giống vậy thôi chứ không phải đâu. Ở đây là hàng tuyển, lấy từ Đài Loan về. Còn hàng chợ thì xuất xứ đủ chỗ”. Theo cô chủ tiệm, hàng nhập có mẫu mã phong phú, nên giá cao cỡ nào cũng được thị trường Đà Nẵng ưa chuộng. “Hàng Việt Nam đa số tập trung vào hàng mùa hè, nếu sản xuất được những kiểu áo ấm như thế này, có lẽ giá còn cao hơn nữa, mà lại không thể cạnh tranh được về mẫu mã”, cô chủ tiệm phân tích thêm.
Chợ: Kênh phân phối quan trọng bị bỏ trống
Theo ghi nhận của chúng tôi, các nhà sản xuất lớn trong nước gần như bỏ trống thị trường chợ - một kênh phân phối rất quan trọng vì gần gũi với người Việt, tạo một khoảng trống lớn cho hàng TQ bành trướng. Hàng Việt khá “cao kỳ”, chỉ xuất hiện nhiều trong các siêu thị, hoặc một số đại lý chính thức.
Vì vậy, không riêng đồ ấm, mà việc hàng TQ áp đảo hàng Việt cũng diễn ra tương tự đối với nhiều mặt hàng như đầm, jean, áo thun… Theo chủ cửa hàng L.L trên đường Thái Phiên, hiện nguồn cung chính của Đà Nẵng là hàng Quảng Châu, được lấy về thông qua trung gian tại Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh. Chị cho biết, ở Hà Nội có nhiều chỗ bán sỉ áo quần, kể cả chợ lẫn shop, và khi lấy hàng về, các chủ shop tại Đà Nẵng sẽ “kê” giá tùy theo thị trường. Nếu lanh tay tuyển được hàng độc, người bán có thể nâng mức giá lên rất cao, khoảng 400-500 nghìn đồng cho mặt hàng áo thun, quần jean... là chuyện thường, hoặc có khi lên đến hơn triệu đồng cho chiếc áo vest “không đụng hàng”.
“Nếu biết tiếng và có người quen dẫn đường ở Quảng Châu, mình mới lấy được hàng với giá chỉ bằng phân nửa so với lấy ở Việt Nam”, chị nói. Chị tiết lộ thêm, nhiều shop còn dùng thủ thuật “trộn” đồ cũ với đồ mới để bán với giá cao, nhất là mặt hàng mùa đông. Vậy là, thay vì giảm giá mạnh vào mỗi cuối năm để đẩy hàng tồn của năm trước, người bán lại điềm nhiên thu lợi nhuận cao từ đồ cũ xuất xứ TQ nếu khéo “trộn”.
Bài và ảnh: HẰNG VANG