Năm nay, kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết của tiểu thương các chợ được chuẩn bị khá chu đáo. UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, hộ kinh doanh chủ động nguồn cung, do vậy, dự báo hàng hóa Tết Nhâm Thìn 2012 sẽ không có biến động mạnh về giá.
Tiểu thương chợ Hàn đã chuẩn bị nhiều hàng hóa. |
Phong phú hàng Tết
Ngoài các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, đồ trang sức… tiêu thụ khá chạy từ trung tuần tháng 12-2011, hiện doanh số bán ra của hộ kinh doanh cao hơn so với ngày thường khoảng 30%, nhưng theo họ, những mặt hàng phục vụ Tết vẫn chưa thực sự nóng ở các chợ. Tiểu thương đang cố gắng bày biện nhiều loại hàng hóa cho phong phú, bắt mắt với hy vọng sức mua sẽ tăng cao hơn từ 25 tháng Chạp trở đi. Nhìn vào số lượng hàng hóa trữ tại các chợ cho thấy, chủng loại hàng rất phong phú và đa dạng, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như bánh mứt, thực phẩm chế biến, quần áo, đồ gia dụng...
Sở Công thương, Công ty Quản lý hội chợ-triển lãm và các chợ Đà Nẵng đã chỉ đạo Ban Quản lý các chợ lớn trên địa bàn vận động tiểu thương tích cực dự trữ hàng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm tăng đột biến dịp Tết, cũng như ngăn chặn nạn đầu cơ găm hàng nâng giá tạo cơn sốt ảo. Chị Thanh Hà (tiểu thương chợ Cồn) cho biết: “Vừa qua, nhờ sự hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Đà Nẵng mà các chị có vốn để nhập thêm hàng. Bởi vậy, ngó chừng những mặt hàng nào bán chạy trong dịp Tết sẽ trữ nhiều hơn phòng khi hiếm hàng. Kinh nghiệm của chúng tôi thì cận Tết, sức mua mới tăng mạnh.” Chị Nguyễn Thị Trang (tiểu thương chợ Hòa Khánh) phản ánh: “Người dân vẫn đang tính toán kỹ hơn để sắm Tết hợp lý, tránh lãng phí. Nhiều người mới đi tham khảo giá chứ chưa định mua, chỉ có số ít khách mua sớm để làm quà tặng, hoặc do tâm lý ngại cảnh chen lấn khi cận Tết hoặc sợ giá cả tăng cao mỗi ngày”.
Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương: “Tuy dự báo năm nay sức mua sắm Tết của người dân sẽ giảm 10% do tình hình kinh tế, song chúng tôi vẫn chỉ đạo dự trữ hàng tăng hơn 30% so với năm ngoái. UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH Đắc Vinh dự trữ 30 tấn thịt heo mông và vai, tăng 5 tấn so với Tết năm 2011, giá bán thấp hơn giá thị trường từ 15-20% và quy định mức giá bán cụ thể (thịt mông 80.000 đồng/kg, thịt vai 70.000đồng/kg) phục vụ trên 12 chợ của thành phố.
Nhúc nhích tăng giá
Chưa vào cao điểm của đợt mua sắm Tết, nhưng giá một số thực phẩm đã dao động ở từng thời điểm. Ví dụ tuần trước, các loại trái cây mới chỉ tăng từ 1 - 3 ngàn đồng/kg thì hiện tại nhiều loại đã tăng trên 5.000 đồng/kg như lê, táo, bưởi, chuối... Với bánh, mứt, lạp xưởng, kiệu tươi, rượu ở những chợ nhỏ giá tăng không đồng đều. Măng khô có giá từ 130.000 đồng/kg trở lên tùy theo xuất xứ, độ dày, nấm hương có giá 250.000 đồng/kg, nấm mèo giá 150.000 đồng/kg. Kiệu tươi bày bán ở một số chợ giá 25 - 30 ngàn đồng/kg...
Ở chợ đầu mối Hòa Cường, lượng hàng về tăng gần gấp đôi so với ngày thường, trung bình khoảng 150 tấn/ngày. Các loại rau củ, thực phẩm tươi sống như gà, vịt, tôm, ếch, thịt bò… đã tăng từ 5 - 10 ngàn đồng/kg. Các tiểu thương cho hay, lý do tăng giá là đến thời điểm này, nhiều gia đình, hàng quán, và các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu mua nhiều để cúng tất niên, liên hoan cuối năm.
Giá một số mặt hàng tiêu dùng Tết đang tăng nhẹ, nhưng không nhiều vì thành phố đã chỉ đạo nhiều đơn vị cung ứng hàng hóa tham gia bán hàng bình ổn giá. Dự báo từ nay đến Tết, giá thực phẩm tươi sống sẽ còn tăng, các loại bánh, kẹo sẽ tăng khoảng 5% - 15%. Các loại mứt Tết không tăng giá nhiều so với mọi năm. Những ngày cận Tết, ở nhóm hàng bánh kẹo, hạt dưa, bia, nước ngọt, thịt gia súc, gia cầm và thực phẩm các loại sẽ có sức tiêu thụ tăng vọt, vì vậy các lực lượng chức năng của thành phố cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra biến động giá cả, gây bất ổn cho thị trường.
Bài và ảnh: Duyên Anh